KỶ NIỆM 132 NĂM ĐỨC MẸ HIỆN RA, mừng Ngân khánh linh mục-Cha Marcello Đoàn Minh (1992-2017)

 KỶ NIỆM 132 NĂM ĐỨC MẸ HIỆN RA, mừng Ngân khánh linh mục-Cha Marcello Đoàn Minh (1992-2017)

KỶ NIỆM 132 NĂM ĐỨC MẸ HIỆN RA, mừng Ngân khánh linh mục-Cha Marcello Đoàn Minh (1992-2017)

Chiều tối ngày 11/09/2017 vừa qua, Cha Marcello Đoàn Minh, giám đốc Caritas Đà Nẵng đã chủ sự thánh lễ  Kỷ niệm 132 năm Đức Mẹ Trà Kiệu, tạ ơn Hồng ân 25 năm linh mục, tại nhà thờ giáo xứ Trà Kiệu, Duy Xuyên, Quảng Nam, quê hương của Cha.

Ban Truyền thông-Caritas Đà Nẵng xin giới thiệu bài giảng của Cha Marcello trong thánh lễ này.

ĐỨC MẸ TRÀ KIỆU: NGƯỜI MẸ HAY THUƠNG XÓT VÀ CỨU GIÚP

Đức Mẹ hiện ra nhiều nơi trên thế giới. Mỗi nơi Mẹ gửi một sứ điệp. Tại Fatima, Mẹ gửi ba mệnh lệnh; tại Lộ Đức, Mẹ kêu gọi sám hối. Còn tại Trà Kiệu, Mẹ gửi cho ta sứ điệp gì?

Trong một cuốn sách viết về việc truyền giáo tại Á Châu, cha Phê-rô Phan Đình Cho, giáo sư truyền giáo học tại Mỹ, đưa ra một số điểm chung về Đức Mẹ La Vang và Trà Kiệu.[1] Dưới đây là phần tóm tắt các điểm chung đó. 

MẸ CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT

Theo truyền thuyết, cả ở La Vang lẫn Trà Kiệu, Đức Mẹ đều hiện ra trong bối cảnh bách hại đạo; đây là điều rất khác với các lần Đức Mẹ hiện ra ở các nơi khác, chẳng hạn ở Lộ Đức hay Fatima. Đức Mẹ hiện ra ở La Vang và ở Trà kiệu với tư cách một người mẹ bảo vệ che chở, đầy tình yêu thương và lòng thương xót đối với đoàn con đang gặp khốn khổ gian nan. Đức Mẹ không gửi sứ điệp đoán phạt ngày sau cùng nếu như người VN không sám hối; ngài cũng không đòi hỏi phải làm gì để đền đápcác ơn huệ của ngài. Trái lại Đức Mẹ, với lòng thương nhưng không, đã cứu thoát họ và hứa lắng nghe lời họ kêu xin. Nói khác đi, ngài đầy lòng thương xót và yêu thương. Ngài cùng cam chịu và bảo vệ người VN vì họ phải lâm cảnh khốn khổ.

Có lẻ hình tượng Đức Mẹ, hiện thân tấm lòng thương xót của Thiên Chúa, lôi cuốn rất mạnh mẽ người VN, có đạo hay không, đến với ngài. Đức Phật cũng được trình bày như là người có lòng thương xót vô bờ với chúng sinh đau khổ và ngài đã dạy con đường bát chính đạo cho họ thoát khổ và giác ngộ.

Đức Maria là hiện thân của lòng từ bi hay thương xót của Thiên Chúa, luôn sẵn sàng cứu giúp họ đã được Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II diễn tả trong thông điệp “Thiên Chúa Giàu Lòng Thương Xót”. Ngài coi Đức Maria là Mẹ của lòng Chúa thương xót, là người hiểu biết lòng thương xót của Thiên Chúa. Mẹ thấu biết giá trị, biết lòng thương xót đó vĩ đại biết bao. Theo nghĩa này, ta gọi Đức Mẹ là Mẹ đầy lòng thương xót, Mẹ từ bi, Mẹ nhân lành.

Đặc biệt, Đức Maria có lòng yêu thương cách riêng người nghèo, ưu tiên chọn lựa người nghèo. Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II xác nhận trong thông điệp "Mẹ Đấng Cứu Chuộc", coi Đức Maria của lời kinh Magnificat là sự diễn tả tình yêu của Mẹ đối với người nghèo:

Tình yêu thương của Giáo hội dành cho người nghèo được diễn tả cách tuyệt vời trong kinh Magnificat của Đức Maria. Qua lời kinh này, lời kinh xuất phát từ con tim và chiều sâu đức tin của Mẹ, Giáo hội ý thức lại cách mạnh mẽ hơn chân lý của Thiên Chúa Đấng cứu độ, Đấng ban phát mọi quà tặng, không thể nào không bày tỏ tình yêu cho người nghèo, người khiêm nhường; tình yêu đó được cử hành trong kinh Magnificat và sau đó, được diễn tả trong lời nói và việc làm của Chúa Giê-su.  (số 37).

NGƯỜI NỮ QUYỀN THẾ

Nhân tố thứ hai khi nói về đức mẹ La Vang và Đức Mẹ Trà Kiệu là yếu tố quyền lực. Sự tích hai nơi Đức Mẹ hiện ra, La Vang và Trà Kiệu, đều cho thấy sự can thiệp của Đức Mẹ đầy quyền thế và hữu hiệu. Những người CGVN bị bắt và bị giao nộp. Đức Maria tỏ ra là một người mẹ từ ái nhưng không hề mềm yếu. Lòng từ bi thương xót ở đây không phải là một tình cảm suông hay một mối đồng cảm (cùng động lòng, cùng đau khổ với). Đúng hơn, nó còn thúc đẩy người có lòng trắc ẩn đi tới chỗ hành động. Có lòng từ bi mà không hành động có uy quyền cho người đau khổ thì trống rỗng và vô nghĩa. Trái lại, quyền lực mà không có lòng thương xót, tức là "một tình yêu từ bên trong mà Tân Ước gọi là agape",[2] thì dễ đi tới chuyên chế.

Hình tượng người nữ quyền thế rất cần cho người VN và nó đã được diễn tả trong lịch sử và văn hóa VN… Nền luân lý Khổng giáo áp đặt vào VN trong ngàn năm người Tàu đô hộ, đề cao người cha và nam giới. Nữ giới bị ràng buộc bởi '‘tam tòng”: tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử. Cư xử của người nữ qui định bởi "tứ đức" là CÔNG (chăm lo việc nhà); DUNG (ngoại hình tươm tất); NGÔN (ăn nói xứng hợp); HẠNH (ứng xử đúng đắn).

Không cần nói nhiều, trong xã hội theo phụ hệ và nam trị (do ảnh hưởng Nho giáo), phụ nữ vẫn có vai trò chủ chốt, hình ảnh Đức Maria là người nữ thần thế rất thích hợp với cuộc đấu tranh cho bình đẳng giới và nhân quyền tròn đầy. 

MẸ LƯƠNG DÂN

Nhân tố thứ ba trong tuyển Đức Mẹ La Vang, Đức Mẹ Trà Kiệu đều có là đối thoại liên tôn. Sự tích lòng sùng kính Đức Mẹ La Vang kể rằng: chính những người Phật tử theo lời Phật dạy, đã tự nguyện dâng chùa của họ cho người CG và người CG lại đổi thành ngôi đền Đức Mẹ. Tương quan giữa Phật tử và người CG thật đáng trân trọng.  Hơn thế nữa, bức tượng Phật ở đó, như chúng ta được biết, không bị đập vỡ nhưng được di chuyển sang một nơi khác. Thêm vào đó, theo sự tích Đức Mẹ Trà Kiệu, Đức Mẹ không được người CG xem thấy nhưng những người 'bên lương'’bách hại họ trông thấy. Trong bài viết của M. Geffroy về biến cố Đức Mẹ Trà Kiệu, rõ ràng là người CG không trông thấy gì cả. Thật trớ trêu, chính dựa vào chứng từ của 'những người không tin' mà những 'tín hữu’ biết rằng Đức Maria đã hiện ra để bảo vệ họ! Theo một nghĩa nào đó, người CGVN mắc nợ người bên lương về lòng sùng kính Đức Mẹ, ít là trong biến cố Trà Kiệu!

Người CGVN chỉ chiếm thiểu số, 6-8% trong dân số 75 triệu người VN. Đối thoại với người theo các niềm tin khác (đa số Phật giáo, Khổng giáo, Lão giáo, và một số tôn giáo địa phương khác) không phải là việc xa xỉ nhưng là một sự cần thiết tuyệt đối với người CGVN.  

 * * * * *

Mừng 132 năm Đức Mẹ Trà Kiệu, chúng ta được mời gọi để yêu mến Mẹ một Người Mẹ đầy lòng thương xót và quyền thế cầu bầu cho chúng ta trước tòa Chúa. Đức Mẹ cũng thúc giục ta yêu thương và tôn trọng những anh em không cùng đức tin như chúng ta. Đức Mẹ dạy ta cọng tác mọi người để xây dựng cuộc sống yêu thương, hòa bình và kêu mời họ cùng đến với Mẹ với lòng tin tưởng vì Mẹ là Mẹ từ bi, Mẹ yêu thương tất cả mọi người.


[1]Xem Peter C. Phan, In Our Own Tongues, Perspectives from Asia on Mission and Inculturation(Maryknoll, New York: Orbis Books, 2003), p 101-108

[2]ĐứcGiáohoàng Gio-an Phao-lô II, Thông điệpThiên Chúa Giàu Lòng Thương Xót, số 6.