Gương bác ái của các Thánh

 

CHÂN PHƯỚC LUCHESIO VÀ BUONADONNA 

(Qua đời năm 1260)

         Hai ông bà sống ở Poggibonzi, nơi họ hành nghề thương mãi và là con buôn tham lam. Nhưng sau khi gặp Thánh Phanxicô – có lẽ năm 1213 – cuộc đời ông đã hoàn toàn thay đổi, bắt đầu làm nhiều việc bác ái. Ông Luchesio bắt đầu thi hành nhiều việc bác ái. Hai ông bà muốn sống theo gương Thánh Phanxicô nên đã gia nhập Dòng Ba Phanxicô.

        Lúc đầu, bà Buonadonna không nhiệt tình sống bác ái như ông Luchesio, và thường than phiền chồng là đã bố thí quá nhiều của cải cho các người lạ. Một ngày kia, khi có người gõ cửa xin được giúp đỡ, và ông Luchesio nhờ vợ lấy cho họ ít bánh mì. Bà nhăn mặt khó chịu nhưng cũng đi vào bếp, và lạ lùng thay, bà nhận thấy số bánh mì đang có thì nhiều hơn khi trước. Không bao lâu, bà cũng trở nên hăng say sống đời khó nghèo và thanh bạch như ông chồng. Cả hai bán cả tiệm buôn, chỉ giữ lại ít đất để cầy cấy trồng trọt đủ cho nhu cầu và phân phối đất đai còn lại cho các người nghèo.

       Thế kỷ thứ 13, với sự ưng thuận và sự cho phép của Giáo Hội, một số vợ chồng sống ly thân để người chồng vào dòng tu nam và người vợ vào dòng tu nữ. Nhưng điều này chỉ có thể xảy ra nếu họ son sẻ hoặc con cái đã trưởng thành. Ông bà Luchesio lại muốn kiểu khác, họ muốn sống đời tu trì, nhưng bên ngoài tu viện. Để đáp ứng nhu cầu này, Thánh Phanxicô đã lập Dòng Ba (Dòng Phanxicô Thế Tục). Đầu tiên, thánh nhân viết một Quy Luật đơn giản cho Dòng Ba, sau đó Đức Giáo Hoàng Hônôriô III đã chấp thuận một quy luật chính thức vào năm 1221.

       Công việc bác ái của hai ông bà Luchesio đã thu hút người nghèo đến với họ, và cũng như các vị thánh khác, dường như hai ông bà không bao giờ thiếu của cải để giúp đỡ tha nhân. Một ngày kia, khi ông Luchesio đang cõng một người tàn tật mà ông bắt gặp bên vệ đường thì có một thanh niên đến hỏi ông: “Cái tên quỷ quái nào mà ông đang cõng trên lưng đó?” Ông Luchesio trả lời: “Tôi đang cõng Đức Giêsu Kitô”. Ngay lập tức người thanh niên ấy đã phải xin lỗi ông.


        Hai ông bà Luchesio và Buonadonna cùng từ trần vào ngày 28/4/1260. Ông được phong chân phước năm 1273. Truyền thống địa phương cũng gọi bà Buonadonna là “chân phước” dù Tòa Thánh chưa chính thức công bố.

 


 

 THÁNH HIÊRONIMÔ EMILIANÔ (St. Jerome Emiliani) 

Lễ kính 08 - 02

                    (Bổn mạng của ban Phục vụ Sự sống - Caritas giáo phận Đà Nẵng)

 

                                            

       Thánh Giê-rô-ni-mô sinh tại Vê-ni-xi-a, nước Ý, trong một gia đình quý tộc đạo giáo.

     Lúc đó, quê hương ngài bị giặc ngoại xâm. Ngài phải tòng quân, lên đường cứu nước như bao nhiêu thanh niên khác. Sống trong quân ngũ, ngài bị lây nhiễm thói xấu của đồng đội; sống cuộc đời phóng túng, trụy lạc. Nhưng một hôm ngài bị quân địch bắt, xiềng tay chân trong một trại giam chật hẹp dơ bẩn.Trong cảnh ngục tù khổ nhục, ngài hồi tâm suy nghĩ và ăn năn sám hối, trở về với Chúa. Ngài cầu xin Đức Mẹ cứu thoát; và Đức Mẹ đã cứu ngài cách lạ lùng.

     Được trở về Vê-ni-xi-a, ngài quyết chí theo gương Chúa, sống đời bác ái yêu thương, đặc biệt giúp đỡ các trẻ mồ côi và người nghèo khổ. Để thực hiện ý tưởng cao đẹp đó, ngài xin vào chủng viện học tập và trau giồi đức hạnh. Năm 37 tuổi, ngài được thụ phong linh mục, và hiến thân làm việc bác ái, từ thiện. Ngài quy tụ các trẻ bị bỏ rơi, nuôi dưỡng giáo dục chúng nên con hiếu thảo của Chúa. Đồng thời lo thương giúp những người bệnh tật, nghèo khổ. Ngài bán hết gia tài của cải cha mẹ và thân nhân cho. Nhưng không đủ vào đâu để lo cho họ. Ngài đến gõ cửa các nhà hảo tâm. Những người này thấy ngài hết lòng bác ái hy sinh thì sẵn sàng trợ giúp. Với tiền của người ta giúp đỡ, ngài xây cất nhà mồ côi, trại dưỡng lão và trường học. Thế là ngài có tạm đủ cơ sở vật chất để chăm sóc người nghèo và dạy dỗ trẻ mồ côi, trẻ lang thang bụi đời.

     Còn một khó khăn nữa, thánh nhân một mình quán xuyến công việc, không ai cộng tác. Ngài cần người thành tâm thiện chí giúp đỡ trợ lực. Ngài cầu nguyện xin Chúa soi sáng giúp đỡ. Và Chúa đã nhận lời ngài; ngài thành lập Dòng Tôi tớ phục vụ người nghèo. Ngài ra công huấn luyện họ.. Và họ tận tình phụ giúp ngài trong mọi công tác.

Xảy ra nạn bệnh dịch tàn phá xứ sở, ngài hết lòng chăm sóc những người mắc bệnh hiểm nghèo này. Ngài đến tận nhà những người mắc bệnh; săn sóc thuốc men cho họ; chôn cất những người chết, đến nỗi ngài phải lây nhiễm bệnh. Trong lúc bệnh hoạn nguy hiểm, ngài khuyên nhủ các tu sĩ trong dòng tin tưởng Chúa, trung thành theo sứ mạng bác ái tông đồ như ngài đã thực hiện. Ngài nói:

     “Anh em rất thân mến trong Chúa Kitô, và các con thân mến trong dòng Tôi tớ phục vụ người nghèo. Cha gởi lời thăm chúng con. Cha khuyên chúng con kiên nhẫn trong tình yêu mến Chúa Kitô và trung thành giữ luật Kitô giáo. Khi ở với chúng con, cha đã dùng lời nói, việc làm tỏ ra như vậy, để cha có thể ca ngợi Chúa trong chúng con.

     Cùng đích của ta là Thiên Chúa. Người là nguồn mọi sự lành. Và như ta vẫn đọc trong kinh, ta chỉ được tin tưởng ở Ngài mà thôi, chứ không được tin tưởng vào ai khác. Chúa chúng ta rất tốt lành. Người muốn thêm đức tin cho chúng ta (vì theo tác giả Tin Mừng, nếu người ta không có đức tin, Đức Kitô không thể làm được nhiều phép lạ). Người muốn nhận lời chúng con cầu xin. Thế nên, Người đã quyết định rằng chúng con phải đón tiếp người nghèo khó, người bị áp bức, người bị sầu khổ và kiệt sức, người bị mọi người khinh bỉ và cả những người thiếu sự hiện diện thể xác (chứ không thiếu sự hiện diện tinh thần) của cha là người cha hèn hạ, yêu quý và hiền hoà của các con.”

     Thánh nhân qua đời ngày 8 tháng 2 năm 1537, thọ 56 tuổi. Và năm 1767. ngài được tôn phong Hiển thánh, và được Đức Giáo Hoàng Pi-ô XI chọn làm thánh bảo trợ các trẻ mồ côi.