Lời Chúa, suy niệm

 

PHÁ ĐỔ VÀ XÂY DỰNG TRONG CHÚA KITÔ PHỤC SINH

                                                                                                                Lm. Marcello Đoàn Minh, GĐ Caritas Đà Nẵng

     Ở dưới bầu trời này

     Mọi sự đều có lúc

     Mọi việc đều có thời:

     Một thời để chào đời

     Một thời để lìa thế

     …..

     Một thời để phá đổ

     Một thời để xây dựng

            (Giảng viên 3, 1-3)

        Giảng Viên dùng 14 cặp đối kháng để cho thấy cuộc đời như một vòng xoay chuyển: sống rồi chết, sinh rồi tử, hợp rồi tan, yêu rồi ghét. Ở đây những diễn biến trái chiều và phức tạp trong đời được đơn giản hóa tối đa, chỉ còn như chuyến xe đi rồi đến, đến rồi đi.  Chúa Giêsu Con Thiên Chúa làm người, xem ra cũng đi vào trong cái vòng xoay chuyển đó. Ngài cũng có “một thời để chào đời, một thời để lìa thế”, nhưng trong đó gói ghém sứ mệnh cứu thế lớn lao. Khi làm người, Ngài đã mang lấy trọn vẹn kiếp con người kể cả những gì mà người đời ghê tởm chối từ: “Người tôi trung của Chúa đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã rước vào thân bao nỗi khổ chúng ta đáng chịu… người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, đã bị tan xương nát thịt vì chúng ta lỗi lầm; Người đã chịu sửa phạt để chúng ta được giao hòa với Chúa, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành.” (Is 53, 4-5). Hơn thế, cuộc sống dương thế của Ngài đã ra ngoài cái khung “một thời… một thời…” của Giảng viên bởi lẽ ngày thứ ba sau khi chết, Ngài đã sống lại. Ngài không sống lại để tiếp tục cuộc sống trần gian, nhưng sống với một thân xác đã biến đổi, không chết nữa, không bị hủy diệt nữa, không còn lệ thuộc vào không gian và thời gian nữa. Cuộc sống mới này không chỉ riêng cho một mình Ngài, nhưng còn là ân huệ ban cho những ai đặt niềm tin phó thác nơi Ngài. Chúa Giêsu phục sinh mở một kênh dẫn vào đời sống vĩnh cửu.Thánh Phêrô nói: “Chúc tụng Thiên Chúa là Cha Ðức Chúa Giêsu Kitô của chúng ta. Theo lượng từ bi chan chứa của Ngài, Chúng ta được tái sinh trong một niềm hy vọng sống động, nhờ sự Sống Lại của Ðức Giêsu Kitô từ cõi chết để hưởng gia tài không thể hư mất, không thể bị ô nhiễm và không thể bị phai tàn”(IP 1:3-4).

         Người Kitô hữu được thâm nhập vào trong cuộc sống mới này qua đường dẫn bí tích Rửa tội. Theo cách diễn tả của thánh Phaolô, trong phép rửa tội chúng ta cùng chết đi với Đức Kitô, để cùng được sống lại trong Ngài. Chính với ý nghĩa đó mà trong thời xa xưa, người chịu rửa tội được dìm vào trong nước rồi được đưa ra khỏi nước. Trong nhà thờ có giếng rửa tội là một bồn nước lớn, người chịu rửa tội bước xuống, rồi giám mục hay linh mục đổ nước trên đầu và đọc lời ban bí tích rửa tội: Ta rửa con nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.  Sự tháp nhập dưới dấu hiệu bí tích này khởi sự một đời sống mới trong ơn tái sinh của Đức Chúa Thánh Thần, đó là ơn được sinh ra lại làm con cái Thiên Chúa, để cùng với Đức Kitô, nhờ Ngài và trong Ngài, sống tình con thảo hiếu với Cha trên trời. Khi đó, chúng ta cũng gọi Thiên Chúa là “Abba, Cha ơi”. Đời sống mới là đời sống trong tình yêu vĩnh cửu của Thiên Chúa và với một phẩm giá cao qúy là con Thiên Chúa.  Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong bài giáo lý về sự phục sinh, cảm kích tấm lòng của Thiên Chúa Cha thể hiện trong bí tích này, ngài nói: “Thiên Chúa của chúng ta cũng là một người Cha đối với chúng ta. Chúa Thánh Thần tạo ra trong chúng ta tình trạng làm con cái Thiên Chúa mới này, và đây là món quà lớn nhất mà chúng ta nhận được từ Mầu Nhiệm Vượt Qua của Chúa Giêsu. Và Thiên Chúa đối xử với chúng ta như những người con, Ngài hiểu chúng ta, tha thứ cho chúng ta, ôm ấp chúng ta và yêu thương chúng ta ngay cả khi chúng ta lầm lỗi”.  

        Chúa Giêsu đã nói: “Các ông cứ phá hủy Đền Thờ này đi, nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại” (Ga 2,19). Khi ra tay giết Chúa, người Do Thái đã triệt hạ Đền Thờ Thân Xác Chúa để rồi sau đó Ngài xây dựng lại theo một thiết kế mới, trong kế hoạch của Thiên Chúa, để làm nơi ở vĩnh phúc không riêng cho Con Thiên Chúa, nhưng còn cho những ai được dìm vào trong dòng suối cứu độ của Ngài. Bí tích Rửa tội là đường truyền đưa ta vào nhiệm thể Chúa Kitô, để chia sẻ sự sống mới trong Chúa Thánh Thần. Đó cũng là lúc tình yêu Thiên Chúa đổ tràn vào lòng chúng ta (X. Rm 5,5). Sống bí tích Rửa tội là mỗi ngày Kitô hữu để cho tình yêu Thiên Chúa chiếm ngự và biến đổi. Họ sẽ tham dự vào mầu nhiệm tử nạn phục sinh của Chúa. Khi đó hạt giống sự sống mới nảy mầm và tăng trưởng nơi tâm hồn họ và hồng ân đức tin nhận được ngày chịu phép Rửa cũng sẽ được thể hiện qua đức ái./.

RỬA CHÂN & THÁNH THỂ

Lm. Marcello Đoàn Minh

Nếu bạn muốn theo một tôn giáo  thật sự thỏa mái, tôi khuyên bạn không nên theo Kitô giáo.”  C.S. Lewis, một học giả, nhà minh giáo, nhà văn, nổi tiếng đã nói như thế. Nếu hiểu sống “thỏa mái” là sống theo những sở thích tự nhiên của mình (theo kiểu ‘muốn làm gì thì làm’)- thì câu nói trên đây không sai bởi vì Kitô giáo đề cao sống theo Thần Khí Thiên Chúa chứ không theo lối thế gian. Chỉ cần đọc kinh tám mối phúc thật là thấy con đường hạnh phúc của Chúa Giê-su thật sự không ‘thỏa mái’: ai có lòng khó khăn ấy là phúc thật, ai khóc lóc ấy là phúc thật, ….Ta lại càng thấy rõ điều đó khi tham dự những nghi lễ và lắng nghe những gì được nói đến trong ba ngày Tam Nhật Vượt Qua này.  

Trong thánh lễ chiều Thứ Năm Tuần Thánh, ngay sau bài giảng sẽ có nghi thức “Rửa Chân”; cha chủ sự sẽ rửa chân cho 12 vị trong cộng đoàn. Theo phong tục người Do Thái, rửa chân là việc của người tôi tớ hay nô lệ. Nghi thức Rửa Chân là để lặp lại việc Chúa Giê-su đã rửa chân cho các môn đệ trong bữa Tiệc Ly với lệnh truyền: “nếu Thầy là Thầy mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng hãy rửa chân cho nhau.” Chúa Giê-su đề ra cho môn đệ một cung cách sống rất không “thỏa mái:” người môn đệ phải sống khiêm tốn phục vụ lẫn nhau, khác với tinh thần thế gian, ưa tìm cách thống trị người khác.

Xem thế, Kitô giáo trân trọng lối sống phục vụ, khiêm nhượng bé nhỏ. Nhưng bé nhỏ khiêm nhu ở đây không phải là lối khiêm nhu nhu nhược, ti tiện, sống cầu an, luồn cúi. Đây là sự khiêm nhu của những người như Đức Mẹ Maria, vừa công nhận mình là nữ tì Thiên Chúa, nhưng đồng thời cũng thấy rõ Thiên Chúa đã làm cho mình muôn điều kỳ diệu. Khiêm nhu ở đây là vừa thấy cái nhỏ bé, lại vừa thấy cái cao sang của mình, cái chân giá trị mà Chúa chết để ban cho mình. Cũng trong Tuần Thánh Giáo hội cử hành cái chết của Chúa Giê-su và cuộc phục sinh của Ngài. Đó là cái chết và sự phục sinh của Con Một Thiên Chúa “vì loài người chúng ta và để cứu rỗi chúng ta.” Bất cứ ai trong nhân loại cũng có thể nói: Chúa yêu thương tôi, hiến mạng sống mình vì tôi. Ngài dấn thân như thế để trả lại cho mỗi người phẫm vị cao quí là con Thiên Chúa và một đời sống mới trong Thánh Thần tương xứng với phẫm vị đó.  Hơn thế nữa, ngay trong bữa tiệc ly, Chúa Giê-su đã thiết lập bí tích Thánh Thể trước khi nộp mình chịu chết. Trong tiệc Vượt qua với môn đệ đó, Chúa Giê-su đã thánh hiến bánh và rượu để nên chính thân mình và máu Ngài. Khi Hội Thánh cử hành Thánh Thể, Chúa Giê-su là con chiên hiến tế cho một giao ước mới với Thiên Chúa; Ngài nên của ăn, là tấm bánh sự sống mới cho nhân loại. Nơi bàn tiệc Thánh Thể, mỗi người là một vị khách mời của Thiên Chúa, cùng chung phần bàn tiệc thiên quốc ngay trên trần gian, được thông phần tiệc con chiên Thiên Chúa, được bảo đảm sự sống muôn đời.

Như vậy dưới lăng kính kitô giáo, vẻ cao sang Thiên Chúa tiềm ẩn trong cái dáng dấp nhỏ bé của con người. Và con người tuy nhỏ bé nhưng mang trong mình chức vị cao trọng, một vẻ cao trọng chỉ có thể nhận ra dưới con mắt đức tin, vì trí khôn con người không thể suy thấu được điều mầu nhiệm Thiên Chúa đã và đang làm trong cuộc sống chúng ta hôm nay.

Tấm hình Chúa Giê-su quì xuống rửa chân cho các môn đệ được trưng bày đó đây nhắc nhủ ta đạo lý làm người tôi tớ của Thầy Chí Thánh. Nghi thức Rửa Chân và Thánh Thể liên kết với nhau để diễn tả sứ điệp yêu thương của Chúa Kitô: nếu với đức tin đơn sơ chân thành chúng ta nhận ra tình yêu Thiên Chúa và đón nhận bí tích Thánh Thể, chúng ta sẽ sẵn sàng rửa chân cho anh chị em mình, tức là sống yêu thương phục vụ theo gương Đức Kitô, và cùng với Ngài trở nên tấm bánh đem lại sự sống mới cho họ./.

 

 

THỨ NĂM TUẦN THÁNH

 

      Hôm này bắt đầu Tam Nhật Tuần Thánh, ba ngày để chúng ta làm sống lại qua đức tin và phụng vụ nhắc lại sự khổ nạn cứu độ chúng ta. Ðặc biệt hôm nay là một ngày với đầy những biểu trưng và những điệu bộ nói lên một cách hùng hồn về lòng thương xót và tình yêu được nở rộ vào cuộc đời chúng ta.

 

      Kể lại hành động Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đồ của Ngài, Thánh Gioan đã cho chúng ta thấy hình ảnh toàn bộ sứ điệp Tin Mừng. Con Thiên Chúa, hoàn hảo, trong sạch và thánh thiện, không chỉ nhập thể làm người nhưng còn đóng vai một người tôi tớ để tẩy sạch và đổi mới chúng ta. Ngài tự khiêm hạ để chúng ta được nâng lên. Ngài nhận chức vụ thấp hèn nhất, là cái chết như một tội phạm, để chúng ta được thừa hưởng thiên quốc. Còn bài ca ngợi nào có thể nói lên tình yêu như thế? Liệu chúng ta phải đền bù lại món nợ ấy thế nào?

 

      Sau khi rửa chân cho các môn đồ, Ngài vẫn chưa coi là đủ, Chúa Giêsu đã tiến thêm một bước nữa bằng cách hiến chính thân và máu Ngài cho chúng ta. Nếu như cử chỉ thứ nhất loan báo trước về sự hy sinh tình yêu mà Ngài sẽ dành cho chúng ta, thì cử chỉ thứ hai này thật sự mời gọi chúng ta đồng tham dự vào sự cứu chuộc. Khi nói "Hãy nhận lấy mà ăn, hãy nhận lấy mà uống" Chúa Giê-su đang kêu gọi chúng ta đồng hành với sự chết và phục sinh của Người. Ngài đang mời gọi chúng ta hãy từ bỏ tội lỗi và để đời sống của Ngài trở thành đời sống trong chúng ta. Ngài để chúng ta tự do lựa chọn. Liệu chúng ta sẽ hưởng lấy sự tốt lành của Người, hay là chúng ta vẫn tự mãn và sống cô lập khỏi tình yêu của Thiên Chúa trong những ngày đời của chúng ta?

 

      Ðây là ngày nhắc lại sứ điệp căn bản của Tin Mừng. "Ðức Giê-su biết rằng: Chúa Cha đã giao phó mọi sự trong tay Người, Người bởi Thiên Chúa mà đến, và sắp trở về cùng Thiên Chúa" (Ga 13,3). Chúa Giê-su hiến đời Ngài trên Thánh Giá để nên lễ hy sinh hòa giải vì chúng ta. Ngài đã chết cho cái chết mà lẽ ra chúng ta phải chết. Cái chết của Ngài đã tiêu diệt bản tính sa ngã của chúng ta và để chúng ta có thể sống lại với Người trong cuộc sống mới. Bạn có nhận ra Ngài đã hiến cuộc đời Ngài cho bạn không? Bạn có để cho Ngài rửa chân bạn- giải thoát bạn khỏi tội và biến đổi tâm hồn bạn không?

 

      "Lạy Chúa Giêsu, thật bàng hoàng để Chúa tự hạ rửa chân con và hiến mình Ngài vì tội con! Xin rửa tâm hồn con mọi cản trở để tình yêu Chúa ngự trong con".

                                                                                                          (Mạng lưới cầu nguyện thanhlinh.net)