Giáo huấn xã hội, bài giảng

 

VỊ MỤC TỬ TRÊN CON ĐƯỜNG YÊU THƯƠNG

Các yếu tố kỹ thuật

Những người làm việc bác ái xã hội cần trang bị những kỹ năng như: làm việc nhóm, viết dự án, quản lý tài chính, công tác văn phòng, phát triển tổ chức, nguồn nhân sự, … Thiếu những yếu tố kỹ thuật này, việc họ làm sẽ kém hiệu quả hay phát sinh tiêu cực. Chính Đức Giáo hoàng Bênêđitô cũng coi các khả năng nghiệp vụ như đòi hỏi đầu tiên, nền tảng, ngài viết “những người chăm sóc những kẻ thiếu thốn trước tiên phải có nghiệp vụ: họ phải được đào tạo cách đúng đắn, họ phải làm gì và làm như thế nào, và dấn thân trong việc chăm sóc thường xuyên” (Thông điệp Thiên Chúa là Tình Yêu, số 31a). Tuy nhiên điều đó đối với ngài, chưa đầy đủ. Ngài luôn nhấn mạnh việc đào tạo con tim, việc gặp Thiên Chúa trong Đức Kitô Giêsu (số 31).

Bác ái trong chân lý

Sau thông điệp đầu tiên, nhân dịp kỷ niệm 40 năm thông điệp Phát triển các Dân Tộc [1], Đức Bênêđictô ban hành thông điệp Bác Ái trong Chân Lý để làm sáng tỏ mối tương quan giữa việc bác ái với sự phát triển. Yêu thương nhau phải giúp cho nhau được thăng tiến. Nói tới việc phát triển, người ta thường nghĩ tới việc làm giàu về kinh tế, thế nhưng đối với Kitô hữu, phát triển đích thực là phát triển con người toàn diện, mà việc này chỉ có thể thực hiện trong chân lý và bác ái. Hai yếu tố này phải đi đôi với nhau và bổ sung cho nhau. Phát triển tiên vàn không phải làm giàu về tiền bạc của cải vật chất cho bằng ‘làm giàu’ về đạo đức. Để giúp nhau thăng tiến, chúng ta phải thương yêu giúp đỡ lẫn nhau và phải tôn trọng sự thật. Lòng bác ái của chúng ta phải được hướng dẫn soi sáng bởi chân lý chúng ta tin nhận và ngược lại, chân lý chúng ta tin nhận phải được thể hiện trong việc thực hành đức bác ái. Nguyên tắc phải theo là: Chân lý trong bác ái và bác ái trong chân lý. Ngài viết: “Không có chân lý, tình yêu sẽ thoái hóa thành cảm tính. Tình yêu trở thành vỏ ốc trống rỗng, tìm cách lấp đầy bằng những gì mình yêu thích. Đó là nguy cơ trầm trọng mà tình yêu phải đối mặt trong một nền văn hóa không có chân lý. Tình yêu trở thành xúc cảm và ý kiến chủ quan chóng qua, một từ ngữ bị lạm dụng và nát vụn đến độ mang ý nghĩa đối nghịch.” (số 3).

Vị mục tử trên đường yêu thương

Đối với Kitô hữu nói chung và hội viên Caritas nói riêng, nguồn mạch, khuôn mẫu và cùng đích của việc bác ái là tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi. Đức Giêsu Kitô là hiện thân của tình yêu Thiên Chúa trên trần gian. Ngài bày tỏ cho ta tình yêu của Thiên Chúa và dạy ta yêu mến Chúa và yêu thương anh em “trong chân lý của chương trình Thiên Chúa dành cho họ.”[2] Theo Ngài, ta đi vào trong chương trình của Thiên Chúa, thể hiện thánh ý Chúa muốn cho mỗi người. Như vậy, Chúa Giêsu chính là vị mục tử đồng hành và dẫn dắt chúng ta trên con đường yêu thương phục vụ. Nếu ta biết nghe tiếng Ngài và đi theo Ngài, Ngài sẽ “đổ tràn tình yêu vào lòng ta” (Rm 5,5) để ta biết yêu thương tha nhân như Ngài đã yêu thương.

Linh mục Marcello Đoàn Minh

                                                                                                CN IV Phục Sinh-17.4.2016

[1]Thông điệp Populorum Progressio “Phát Triển các Dân Tộc” của Đức Giáo hoàng Phaolô VI, ban hành ngày 26.3.1967.

[2] Đức Giáo hoàng Bênêđitô XVI,Thông điệp Caritas in Veritate “Bác Ái trong Chân Lý”, số 1.


THÁNH GIANNA BERETTA MOLLA, NGƯỜI MẸ CÓ LÒNG THƯƠNG XÓT 

(Chương trình "Học hỏi Năm Thánh Lòng Chúa Thương Xót" - Bài 11 của cha Giuse Nguyễn Văn Thú, quản xứ Thanh Đức, kiêm  trưởng ban Giáo lý Đức Tin giáo phận Đà Nẵng)

Trong Thánh Kinh, “lòng thương xót” còn được diễn tả sống động như tình thương của người mẹ dành cho con cái, đặc biệt đứa con đang cưu mang. Chẳng hạn, Thiên Chúa cưu mang Israel như một người mẹ sắp sinh: “Từ lâu Ta đã từng nín lặng, Ta làm thinh, Ta đã dằn lòng, như sản phụ lâm bồn, Ta rên siết, Ta hổn hển, Ta thở chẳng ra hơi” (Is 42,14); Thiên Chúa nuôi dưỡng dưỡng Israel như người mẹ nuôi con: “Ta lấy dây nhân nghĩa, lấy mối ân tình mà lôi kéo chúng. Ta xử với chúng như người nựng trẻ thơ, nâng lên áp vào má; Ta cúi xuống gần nó mà đút cho nó ăn (Hs 11,4).

Trong cuộc đời, có vô số người mẹ có lòng thương xót con mình. Tuy nhiên, thật hiếm có người mẹ tự đòi hỏi mình phải yêu con nhiều hơn, xót thương con mình theo cách riêng khiến không phải ai cũng hiểu, nhất là trong thời buổi tính ích kỷ lên ngôi như thời nay. Người mẹ hiếm có đó là thánh Gianna Beretta Molla. 

1.Thánh Gianna Beretta Molla là ai?

 

Thánh Gianna sinh vào ngày 4/10/1922 tại nước Ý, là con thứ 10 trong gia đình 13 người con. Bà được cha mẹ dạy sống thánh thiện và đã ghi trong nhật ký nguyên tắc luôn phải chọn: “Con dâng Chúa mọi công việc, mọi thất vọng và đau khổ của con… thà chết hơn phạm tội.” Ngài rước lễ hằng ngày, chuyên chăm đọc và suy niệm lời Chúa, tham gia các đoàn hội, đặc biệt hiệp hội Thánh Vinh Sơn để có cơ hội giúp người nghèo khổ. Năm 1949, Ngài đậu bằng tiến sĩ y khoa về ngành nhi khoa, sau đó mở một phòng giải phẫu giúp cho người nghèo. Năm 1955, khi đã 33 tuổi, bà lập gia đình với kỹ sư Pietro Molla với ý thức rõ ràng được bà ghi lại trong nhật ký: “Người ta không thể đi theo con đường này (hôn nhân) nếu không biết cách yêu. Yêu nghĩa là hoàn thiện chính mình và người bạn đời, để vượt qua tính ích kỷ và trao tặng chính mình trọn vẹn.” Gia đình thánh Gianna quyết tâm sống thánh thiện.

Gia đình Gianna tạ ơn Thiên Chúa sau khi sinh hạ được 3 người con, khôi ngô, khỏe mạnh. Họ còn ước muốn sinh người con thứ tư. Và tin vui đã đến vào tháng 8/1962, bà mang thai đứa con thứ tư. Tuy nhiên, thử thách đến với thánh Gianna và gia đình khi biết rằng bà bị ung thư tử cung. Trước điều kiện để cứu con thì  bà phải hy sinh mạng sống của mình, thánh Gianna quyết định hy sinh mạng sống để cứu con. Bà nói với chồng: “Anh phải chọn em hay chọn con, đừng lưỡng lự, xin anh hãy chọn con, em xin anh đó. Hãy cứu lấy con.” Đứa con thứ tư được sinh ra là Gianna Emanula. Sau khi sinh vài ngày, bà yêu cầu đưa bà về nhà và nói với chồng: “Thiên Chúa đưa em đến đây để chịu đau khổ một chút, vì chúng ta không thể sống mà không có đau khổ.” Và trong cơn hấp hối, bà luôn lặp lại câu: “Lạy Chúa Giê-su, con yêu mến Chúa.”

Vào ngày 1962, thánh Gianna được Chúa gọi vào tuổi 40.

Năm 1994, Gianna được phong chân phước. Và năm 2004, ngài được phong thánh với sự hiện diện của người con thứ Gianna Emanula. Gianna là bác sĩ đầu tiên được phong thánh trong thời hiện đại. Trong lễ phong thánh, ĐTC Gioan Phaolo II đã nói: “Gianna Beretta Molla thật là một chứng nhân rất đơn thành và sâu đậm của Tình Yêu Thiên Chúa”. Ngài nói thêm: “Qua tấm gương của Bà Gianna Beretta Molla, ước gì trong thời đại chúng ta, con người sẽ khám phá ra vẻ đẹp nguyên vẹn, trong sáng  và  phong phú của tình yêu hôn nhân, được sống như một lời đáp lại  tiếng gọi của Thiên Chúa”.

2. Diễn tả lòng thương xót trong đời sống hằng ngày

Nhân đức là một thói quen tốt, là việc làm đi làm lại trở nên quen thuộc, thì người có lòng thương xót cũng thế, khi sống giữa những người khác, họ luôn diễn tả lòng thương xót trong lời nói và hành động của họ cách thường xuyên. Trong vai trò làm bác sĩ, làm vợ và làm mẹ, thánh Gianna luôn tìm cách diễn tả lòng thương xót ngài nhận được từ Chúa.

Trong vai trò bác sĩ, thánh Gianna đã khám phá nét đẹp thánh thiện của nghề thuốc và viết vào nhật ký như sau: “Chúng ta làm việc trong một thế giới làm việc theo nhiều cấp độ để phục vụ nhân loại. Tuy nhiên, chúng ta (những bác sĩ) làm việc trực tiếp với con người. Đối tượng của kiến thức và công việc của chúng ta là những con người ở trước chúng ta đang nói với chúng ta “Hãy cứu giúp tôi với” và mong đợi chúng ta đem lại sức khỏe dồi dào… Sứ mạng của chúng ta không chấm dứt khi thuốc men không giúp ích gì nữa, mà còn đưa linh hồn họ về cho Chúa. Thực vậy, Chúa Giê-su đã nói: “Khi Ta đau, các ngươi đã viếng thăm Ta.” Linh mục đụng đến Chúa Giê-su; cũng vậy, chúng ta là những bác sĩ đụng đến Chúa Giê-su qua thân thể bệnh nhân gồm người nghèo, người già, thanh niên và trẻ em. Ước gì Chúa Giê-su bày tỏ bản thân Ngài cho chúng ta và ước gì Ngài tìm thấy nhiều bác sĩ hiến dâng đời mình cho Ngài.”

Luigia Galli, một y tá làm việc trong phòng giải phẫu của thánh Gianna đã nói: “Khi đi thăm bệnh, Gianna còn dạy dỗ họ”. “Vào tháng cuối thai kỳ, ngay cả ban đêm khi có người gọi cô cũng mau mắn tới với mọi người. Cô đã săn sóc thuốc men cho tới ngày cuối trước khi sinh con gái út. Nếu bệnh nhân nghèo, không những cô khám bệnh miễn phí cho họ mà còn cho thuốc hoặc ít tiền. Cô chỉ rời phòng khám khi hết bệnh nhân, đôi khi hơn 9h30 tối”.

Đồng nghiệp và những bệnh nhân đã thấy lòng thương xót của thánh Gianna đối với họ khi chăm sóc phần hồn và phần xác. Trong vai trò làm vợ và làm mẹ, thánh Gianna đã ước ao gia đình ngài trở nên gia đình thánh thiện, hiến dâng cho Chúa. Ngài đã viết cho chồng như sau: “Em thực sự muốn một gia đình Kitô giáo, nơi đó Thiên Chúa là một thành phần của gia đình. Gia đình, một phòng tiệc ly nhỏ nơi Thiên Chúa ngự trong tim chúng ta, soi sáng những quyết định và hướng dẫn các chương trình của chúng ta”. “Em muốn xây dựng gia đình với anh, có nhiều con cái giống như gia đình trong đó em được nuôi dưỡng.” Nhờ tâm lòng của một người vợ thánh thiện, luôn thương xót muốn chữa lành mọi thương tích do nguy cơ đổ vỡ trong gia đình, Pietro chồng thánh Gianna đã viết về người vợ thánh thiện của mình như sau: “Mặc dù có lời cam kết với gia đình, em phấn đấu tiếp tục sứ vụ của em, sứ vụ của một bác sĩ, đặc biệt lòng xót thương của em đã kết chặt em với những người mẹ trẻ, những bệnh nhân già yếu, những người bệnh kinh niên. Ý hướng và hành động của em luôn chiều theo đức tin, tin tưởng vào Chúa quan phòng với lòng khiêm tốn. Anh nhớ rằng, em luôn dành giờ mỗi ngày cho việc cầu nguyện, suy niệm và chuyện trò với Chúa và quảng đại cho những đứa con tuyệt vời. Anh rất hạnh phúc vì em.” Tình yêu và lòng thương xót làm cho gia đình họ êm ấm và hạnh phúc.

3.Diễn tả lòng thương xót trong thời điểm quyết định

Như đã nói, khi cưu mang đứa con thứ tư được 2 tháng, Gianna phát hiện một khối u đang lớn dần gần tử cung. Khối u này đe dọa sứ khỏe và mạng sống của cả mẹ lẫn con. Là bác sĩ, Gianna hiểu rõ chỉ có một sự chọn lựa, hoặc mình hoặc là người con bé bỏng đang cưu mang.

Bác sĩ tư vấn cho Gianna đã nói rõ với cô: “Nếu muốn cứu mạng sống của cô, chúng tôi buộc phải chấm dứt thai kỳ của cô (phá thai).” Gianna lập tức trả lời: “Tôi không bao giờ cho phép việc đó xảy ra. Giết đứa bé trong bụng mẹ là một tội ác.” Sau đó, bác sĩ tư vấn đưa ra ba kiểu phẫu thuật: một là cắt bỏ cả khối u và tử cung, việc này chắc chắn cứu được mạng sống Gianna; hai là phá thai và cắt bỏ khối u, cách này có thể cô mang thai lại được; ba là cắt bỏ khối u, cố gắng không đụng đến bào thai, việc này hy vọng cứu bào thai nhưng không bảo đảm mạng sống người mẹ. Nghe vậy, Gianna đã chọn giải pháp không đụng đến bào thai, dù mạng sống cô bị đe dọa: “Hãy cứu đứa bé chứ không phải tôi”. Thế là cuộc giải phẫu đã thực hiện, thời gian sau đó cô sinh người con thứ tư vào đêm thứ 7 tuần thánh. Ôm con vào lòng, thánh Gianna đặt tên cho con là “Emanula”, nghĩa là “Chúa ở cùng chúng ta”. Và cô đã qua đời một tuần sau đó. Mọi người rất thương tiếc Giana, nhưng cảm phục đời sống thánh thiện và ca ngợi lòng thương xót của cô, một lòng thương xót như âm vang từ lòng thương xót của Chúa mà cô luôn nói trên môi trong giờ phút lâm chung: “Lạy Chúa Giê-su, con yêu mến Chúa.” Đúng như ĐTC Phaolo VI đã nói về Gianna: “Gianna là một bà mẹ trẻ đã hy sinh tự hiến mình cho sự sống của con gái mình.”

Mong sao lòng thương xót của thánh Giana với con mình đánh động được lòng của biết bao thấy thuốc và người mẹ vô tâm tước mạng sống con mình và làm hư mất phần linh hồn của con mình.

Các bài khác:

1. BỨC TRANH GIA ĐÌNH

2. ĐỨC TIN CHỮA LÀNH VÀ CỨU SỐNG

3. THIÊN CHÚA BA NGÔI VÀ ĐỜI SỐNG CHÚNG TA

4. CARITAS CHÀO ĐÓN THIÊN CHÚA

5. VIẾT TIẾP CÂU CHUYỆN TÌNH YÊU

6. ĐỂ TẠO SỰ THAY ĐỔI

7. MỤC TỬ CHĂM SÓC ĐÀN CHIÊN

8. KHẮC GHI HÌNH ẢNH THIÊN CHÚA

9. THÁNH GIÁ CHIẾN THẮNG

10. CHIỀU HƯỚNG CHUNG TRONG CÔNG TÁC BÁC ÁI XÃ HỘI HIỆN NAY

11. ĐƯỜNG HƯỚNG HOẠT ĐỘNG CỦA CARITAS