Ý NGHĨA HOẠT ĐỘNG CỦA CARITAS (Giới thiệu bài phát biểu của Đức Ông-Tiến sĩ Peter Neher, chủ tịch Caritas Đức, nhân kỷ niệm 6 năm, ngày công bố tái lập Caritas Đà Nẵng 01/04/2010 - 01/04/2016)

Ý NGHĨA HOẠT ĐỘNG CỦA CARITAS (Giới thiệu bài phát biểu của Đức Ông-Tiến sĩ Peter Neher, chủ tịch Caritas Đức, nhân kỷ niệm 6 năm, ngày công bố tái lập Caritas Đà Nẵng 01/04/2010 - 01/04/2016)

Ý NGHĨA HOẠT ĐỘNG CỦA CARITAS (Giới thiệu bài phát biểu của Đức Ông-Tiến sĩ Peter Neher, chủ tịch Caritas Đức, nhân kỷ niệm 6 năm, ngày công bố tái lập Caritas Đà Nẵng 01/04/2010 - 01/04/2016)

Trong lễ Dầu ngày 01 tháng 4 năm 2010, Đức Cha Giuse Châu Ngọc Tri, Giám mục Đà Nẵng lúc bấy giờ, đã công bố thư tái lập Caritas Đà Nẵng. Sau đó vào ngày 15 tháng 6 năm 2010 tại hội trường giáo xứ Chính Tòa đã diễn ra lễ Ra Mắt Caritas Đà Nẵng. Đức Ông-Tiến sĩ Peter Neher, chủ tịch Caritas Đức đã tham dự lễ Ra Mắt trên và có bài phát biểu nói về kinh nghiệm bản thân của ngài với Caritas và nền tảng thần học của hoạt động Caritas. Nay nhân dịp kỷ niệm 06 năm tái lập Cartias Đà Nẵng, chúng ta cùng nhau đọc lại bài phát biểu rất ý nghĩa này. Bản dịch của cụ Antôn Trương Như Phỉ (phó ban đối ngoại, Hội đồng Mục vụ giáo xứ Chính Tòa, mất 11/2015), Cha Marcello Đoàn Minh hiệu đính.

Anh chị em thân mến.

Hôm nay chúng ta về đây để cùng nhau thảo luận về tầm nhìn và sứ mạng của Caritas và nhờ ơn Chúa Thánh Thần soi sáng, cùng tham dự cuộc tĩnh huấn. Một kinh nghiệm rất ấn tượng cho tôi đó là việc tôi đã gặp rất nhiều người trên thế giới, vừa sốt sắng lắng nghe sứ điệp của tình yêu Thiên Chúa, đồng thời cảm thấy mình phải làm gì để tỏ lòng yêu thương anh em. Mỗi năm một lần tôi viếng thăm Caritas của một nước thành viên và rất cảm kích khi thấy tình yêu của Thiên Chúa đã thúc đẩy và hỗ trợ họ hoạt động cho Caritas ở khắp nơi. Lần này, trong dịp lưu lại vắn vỏi ở Việt nam,  tôi cũng cảm nhận một điều tương tự nơi anh chị em. Tôi xin vắn tắt trao đổi cùng anh chị em về quá trình làm việc với Caritas của bản thân tôi .

1. QUÁ TRÌNH HOẠT ĐỘNG CỦA TÔI VỚI CARITAS 

Tôi từng làm cha tuyên úy, rồi làm cha quản xứ thuộc giáo phận Augsburg ở miền Nam nước Đức, gần Munich và Freising là giáo phận quê hương của Đức Thánh Cha. Bấy giờ, tôi có kinh nghiệm về các vấn đề xã hội. Tôi cảm động khi thấy những gia đình mà sáng thức dậy chỉ có trẻ em là đi tới trường hoặc đi nhà trẻ còn cha mẹ không có việc làm, cả họ lẫn con cái họ đều không có tương lai vì họ thường thất nghiệp dài ngày hoặc là đau ốm. Tôi cũng đã từng chứng kiến những người già neo đơn. Trong nhiều năm, tôi từng là tuyên úy bệnh viện và gần gũi nhiều bệnh nhân ở chặng cuối đời, lúc họ hấp hối. Tôi luôn cảm kích khi chứng kiến những người đau khổ hoặc lâm cảnh cùng khổ được nâng đỡ tích cực và hỏi han chuyện trò từ những người trong xứ, trong cộng đoàn, những thiện nguyện viên và hội viên Caritas địa phương. Suốt đời, tôi đã luôn mến mộ đức tin Kitô giáo đã cho tôi biết rằng: vì được chấp nhận và Thiên Chúa yêu thương vô điều kiện,nênchúng ta có thể yêu mến Chúa và yêu thương nhau. Tôi đã được yêu thương và được giúp đỡ, nên tôi cũng giúp đỡ người khác. Trong những năm gần đây, khi phải tôi lo việc đào tạo các linh mục giáo phận Augsburg, việc quan trọng đối với tôi là làm cho các linh mục trẻ nhận biết Caritas là trách nhiệm cơ bản của Giáo hội. Sau đó tôi được đề cử làm Giám đốc Caritas giáo phận Augsburg, rồi từ bảy năm nay, tôi làm chủ tịch Caritas Đức. Chưa bao giờ nơi tôi cạn vơi đi niềm say mê tình yêu Thiên Chúa và con người.

2. CARITAS VÀ NGUỒN GỐC THẦN HỌC

Công việc của Caritas mang bản sắc Giáo hội và bắt nguồn sâu xa từ mẫu gương của Chúa Giêsu. Ta thấy rõ ràng điều này qua việc Chúa Giêsu chữa lành bệnh tật. Đọc Kinh Thánh ta thấy ngay nhiều người phong cùi, đui mù, bất toại hay câm điếc đã được Chúa Giêsu chữa lành. Nước Thiên Chúa trong lời Ngài giảng dạy, sẽ đến dưới các dấu hiệu bên ngoài và các hoạt động cụ thể. Ngài cứu người bị quỷ ám ở Gerasa khỏi cảnh sống cách ly và mất định hướng. Ngài cho người mù được thấy và nhận biết Ngài là Con của Chúa Cha. Một trong những đoạn Thánh Kinh tôi ưa thích là đoạn nói về việc Chúa chữa người phụ nữ bị còng lưng trong Tin Mừng Thánh Luca (13, 10-17), kể lại như sau: Vào một ngày Sa-bát, Đức Chúa Giêsu đang giảng dạy ở nhà hội. Và tại  đó cũng có một phụ nữ đã 18 năm bị còng lưng và không đứng thẳng được. Thấy bà, Chúa Giê-su gọi  và nói: “Này bà, bà đã được cứu khỏi bệnh”. Ngài đặt tay lên đầu bà, lập tức bà đứng thẳng lên và ngợi khen Thiên Chúa. Trong 18 năm trời bị còng lưng, bà không thể thấy người khác ngang tầm. Gặp được Chúa Giêsu, bà được đứng thẳng dậy. Bà cám ơn và ngợi khen Chúa về quà tặng này.

Dựa vào những câu chuyện chữa lành bệnh trong Thánh Kinh, chúng ta có thể hiểu “Nước Chúa” có nghĩa là: con người đứng thẳng lên, được giải phóng và cứu độ. Người nào được Chúa chữa lành thì sẽ sống cuộc đời sung mãn và có ý nghĩa trong công cuộc sáng tạo của Chúa. Người ấy có thể nối kết với Thiên Chúa, hội nhập với xã hội và có trách nhiệm về hành động của mình.

Những câu chuyện về chữa bệnh rất hiện thực: Chúa bôi nước miếng vào mắt người mù, lấy tay sờ người  khác. Ngài chạm vào cơ thể người ta. Chúa Giêsu coi trọng mối liên hệ giữa Ngài và bệnh nhân. Theocách mô tả trong các bản văn Hy lạp, ban đầu người bệnh còn xa cách Chúa, nhưng sau đó, qua quá trình chữa lành, người này trở thành một người có liên hệ với Chúa Giêsu. Thông thường người được lành bệnh tuyên xưng niềm tin của mình. Họ trải nghiệm những gì Nước Chúa đòi hỏi. Chúa Giêsu bảo các môn đệ mình: “Hãy chữa lành kẻ đau yếu trong thành và nói với họ rằng: Nước Chúa đã đến gần các ông”(Luca10,9). Nhiều đoạn văn Tin Mừng cho biết các môn đệ chữa bệnh theo gương Chúa Giêsu.

Do đó có thể nói rằng sứ điệp của Chúa Giêsu không thể gói gọn trong lời giảng dạy, các môn đệ  được sai đi không chỉ để giảng dạy còn phải tích cực giúp người ta chỗi dậy và tham gia vào đời sống xã hội. Đời sống người môn đệ Chúa Giêsu cắm rễ sâu trong cuộc đời, sự khổ đau và sống lại của Chúa Giêsu. Niềm tin vào Tin Mừng giúp con người đứng dậy và giải thoát họ khỏi những hạn chế và cạm bẩy. Mọi môn đồ của Chúa Giêsu đều được kêu gọi và được “trao quyền” để sử dụng tài năng mình có củng cố người khác và sống trọn vẹn thân phận con người.

Sứ điệp thương xót chữa lành và cách các kitô hữu thực hành việc đó ắt đã tỏa sáng vào cộng đoàn thời xưa. Trong những cộng đoàn do Thánh Phaolô sáng lập, yêu thương chăm sóc  người khác được gọi là “diakonia” (tiếng Hy lạp có nghĩa là lòng yêu thương anh chị em, đồng nghĩa với từ “caritas” trong tiếng Latinh). Và “diakonia ” liên hệ mật thiết với cử hành các bí tích và giáo huấn. Từ thời nguyên thủy, thực thi bác ái, cử hành bí tích và giáo huấn là ba yếu tố trụ cột của các cộng đoàn Kitô hữu và của Giáo hội; cả ba liên kết nên một với nhau và không tách biệt nhau; giống như lá cây ba khía (đây là một loại thảo mộc có nhiều ở nước chúng tôi, lá có ba khía tròn  cùng một cuống lá; chắc ở Việt nam cũng có). Thừa tác vụ bác ái, phụng vụ và giáo huấn đan kết với nhau làm thành một thể duy nhất tạo nên cộng đoàn Giáo hội của Chúa Giêsu. Nếu một trong ba yếu tố này bị lơ là thì toàn bộ bị tác hại.

3. PHÁT TRIỂN HOẠT ĐỘNG CARITAS CỦA GIÁO HỘI 

Qua nhiều thế kỷ, Kitô giáo có sức thu hút mạnh nhờ việc hỗ trợ người nghèo và người đau yếu. Các cộng đoàn xây nhà thương và các Kitô hữu xướng xuất một hệ thống phúc lợi xã hội. Điển hình cho sự dấn thân này là cá nhân tín hữu hoặc các nhóm nhận biết và trợ giúp chính xác nhu cầu của người khác. Sự giúp đỡ này là một trong những mặt sáng của Giáo hội mặc dầu trong lịch sử  không thể phủ nhận là không có  những mặt đen tối.

Trong quá trình lịch sử, Giáo Hội đã lập ra các tổ chức Caritas khác nhau. Dấu vết sự đa dạng này còn được thấy trong cơ cấu các chi nhánh của Caritas ở Đức. Đức Ông Lorenz Werthmann, sáng lập viên của Caritas Đức (có tổ chức và chuyên nghiệp), đã có ý tưởng hiệp nhất những tổ chức ban đầu này thành Hiệp Hội Caritas Đức. Mục tiêu là tạo nên một ‘mặt bằng’ để các nhóm học hỏi lẫn nhau, và giúp nhau phục vụ tốt hơn những ai đang cần cứu giúp. Mục tiêu ban đầu không phải là lập một hệ thống từ thiện và xã hội tách riêng ra ngay trong Giáo hội nhưng chỉ nhắm củng cố  tổ chức, thay đổi phương cách và hình thức để Cartias hoạt động hiệu quả tích cực trong xã hội và làm cho người ta biết quan tâm đến nhu cầu và lo âu của đồng loại.  

Giáo Hội qua Công Đồng Vatican II, nhấn mạnh điểm này và mong muốn đáp ứng được các nhu cầu của con người càng nhiều càng tốt. Hiến chế Mục vụ “Giáo Hội trong Thế giới ngày nay” (Gaudium et Spes - Niềm vui & Hy vọng) viết: ”Niềm vui và hy vọng, đau buồn và nổi khổ của con người ở thời đại chúng ta, đặc biệt là những người nghèo hoặc bị ảnh hưởng cách nào đó, cũng là những niềm vui và  hy vọng, đau buồn và nổi khổ của những người theo Chúa Kitô. Thực vậy, không  gì  là con người thực sự mà không tìm thấy một  tiếng vang trong lòng họ “.(GS1)

Thế nên Caritas cho thấy Giáo hội gần gũi với con người. Caritas đến với con người trong những tình huống sống động cụ thể, không phân biệt màu da,tôn giáo. Bênh vực và trợ giúp là hai hoạt động của Caritas. Ngoài ra, Caritas phát huy sự liên đới. Cơ sở của các việc này là việc Thiên Chúa chăm sóc dân Chúa như sách “Xuất hành”  (Exodus) đã mô tả: “ Ta đã thấy rõ  sự cực khổ của dân Ta….. và Ta đã nghe  tiếng chúng kêu  than….và Ta biết được các nổi đau  khổ của chúng (Ex 3, 7) Bởi vậy Giáo hội và Caritas được mời gọi để làm chứng cho sự hiện diện giải phóng của Thiên Chúa- và làm bằng các hoạt động cụ thể để chăm sóc con người và xã hội.

4. NHỮNG LỜI ĐỘNG VIÊN CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG BÊNÊDICTÔ XVI TRONG THÔNG ĐIỆP “THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU”

Tầm quan trọng của Caritas trong Hội Thánh được Đức Giáo Hoàng Bênêdictô XVI nhấn mạnh.  Trong Thông điệp đầu tiên của ngài, tựa đề “Thiên Chúa là Tình yêu”, ngài viết: “Yêu thương người lân cận bắt nguồn từ tình yêu Thiên Chúa, trước hết và trên hết là nhiệm vụ của từng cá nhân tín hữu, nhưng cũng là nhiệm vụ của toàn thể cộng đồng Hội Thánh thuộc mọi cấp”. (số 20) Ngoài ra, Hội Thánh không thể chểnh mãng trong việc thực thi bác ái cũng như không được chểnh mãng với bí tích và lời Chúa.” (số 22).Qua lời phát biểu này, Đức Giáo Hoàng Bênêdictô XVI nhấn mạnh: Giáo hội chỉ sống động khi cả ba yếu tố đều hiện diện và hoạt động. Giáo hội không thể cử người khác thay mình thực thi bác ái hay coi việc đó là phụ tùy có thể bỏ đi khi gặp khủng hoảng. Lời phát biểu này là nguồn động viên cho tất cả những ai dấn thân phát triển Cartias ở Việt nam, ở nước Đức hay khắp nơi trên thế giới.

Caritas là Giáo hội ở giữa lòng xã hội. Thông điệp này nhấn mạnh rằng các hoạt động của Caritas có thể được thực thi bằng nhiều cách khác nhau: có thể là việc từ thiện trong giáo xứ, các nhóm thiện nguyện hay việc bác ái có tổ chức chuyên môn trong Hội Thánh. Lần đầu tiên, một thông điệp của Giáo Hoàng mô tả cách minh nhiên: Caritas với các hoạt động cơ chế của Cartias được coi là sứ mạng của Giáo Hội. Theo đường lối này, thông điệp nhấn mạnh rằng Caritas nằm trong Hiệp hội Caritas cũng như trong hoạt động từ thiện của giáo xứ và của các nhóm.Tất cả đều được mời gọi dấn thân. Thực tế, nhiều giáo xứ triển khai các nhóm từ thiện tự phát và nhiều người tình nguyện tham gia các nhóm này. Ở nước Đức, một số giáo xứ đã tổ chức các hình thức làm bác ái xã hội chuyên nghiệp của các nhóm tự phát ở giáo xứ, chẳng hạn từ mạng lưới chăm sóc y tế gia đình hoặc các trung tâm chăm sóc trẻ em ban ngày.

Thông qua đội ngũ nhân viên tự nguyện hoặc có lương, các trung tâm và cơ sở của Caritas mang đến sự giúp đỡ rất tốt và cần thiết cho nhiều người có những nhu cầu khác nhau. Nhiều nơi có mối tương quan hợp tác chặt chẽ giữa các giáo xứ và các dịch vụ và cơ sở của Caritas.

5. LỜI KẾT 

Cách đây vài năm ở Đức có cuốn sách nhỏ nói về các thiên thần mang tựa đề: “Những Thiên Thần của Chúa Không Cần Cánh”.  Ở đời, chúng ta thỉnh thoảng ta gặp ai đó kêu gọi, thúc đẩy và động viênta. Người đó đồng hành, sát cánh, cùng ta chiến đấu để đạt được đôi điều tốt đẹpmà không làm lấy đi phần trách nhiệm của ta. Nếu ta làm được như vậy, ta có thể trở thành thiên thần của Chúa. Đó cũng điều tôi cầu chúc cho các anh chị em: chúc anh chị em được tình yêu Chúa giữ gìn và nâng đỡ để anh chị em trở thành những thiên thần của Chúa cho tha nhân.

Chúng tôi sẽ tận tình đồng hành cùng anh chị em trong hoạt động Caritas. Chúc anh chị em và những người được anh chị em phục vụ mọi điều tốt đẹp và xin Chúa ban ơn chúc phúc, chữa lành và hòa giải.  

Đức Ông -Tiến sĩ Peter Neher, chủ tịch Caritas Đức