THỰC HÀNH LÒNG THƯƠNG XÓT QUA LỜI DẠY TRONG KINH THƯƠNG NGƯỜI CÓ MƯỜI BỐN MỐI - (3) CHO KẺ RÁCH RƯỚI ĂN MẶC

THỰC HÀNH LÒNG THƯƠNG XÓT QUA LỜI DẠY TRONG KINH  THƯƠNG  NGƯỜI  CÓ  MƯỜI  BỐN  MỐI - (3) CHO KẺ RÁCH RƯỚI ĂN MẶC

THỰC HÀNH LÒNG THƯƠNG XÓT QUA LỜI DẠY TRONG KINH THƯƠNG NGƯỜI CÓ MƯỜI BỐN MỐI - (3) CHO KẺ RÁCH RƯỚI ĂN MẶC

Văn phòng Caritas Đà Nẵng xin tiếp tục giới thiệu bài 32: Thực hành lòng thương xót qua lời dạy trong Kinh Thương Người Có Mười Bốn Mối - (3) CHO KẺ RÁCH RƯỚI ĂN MẶC, trong chương trình “Học Hỏi Năm Thánh Lòng Chúa Thương Xót” của Cha Giuse Nguyễn Văn Thú, quản xứ Thanh Đức, kiêm trưởng ban Giáo lý-Đức Tin, giáo phận Đà Nẵng.

Vào ngày sau cuối, Thiên Chúa sẽ thưởng công cho những ai “cho kẻ rách rưới ăn mặc,” vì nghĩa cử thương xót kẻ rách rưới được Chúa xem là nghĩa cử dành cho Chúa: “Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc” (Mt 25,36). Đề cập đến nghĩa cử “cho kẻ rách rưới ăn mặc”, gương thánh Martinô thành Tours được xem nổi bật hơn cả trong trí nhớ mọi người.

Thánh Martinô sinh ra vào khoảng 316 ở Hungary. Ngài là con của một vị sĩ quan và cha mẹ ngài đều là lương dân. Tuy còn nhỏ tuổi, ngài đã ghi danh học giáo lý dự tòng. Lên 15 tuổi, Martinô bị buộc nhập ngũ, được phái sang vùng Gaule (nước Pháp ngày nay), là vùng ngoại đạo và sống giữa các binh lính trong trại có nếp sống chẳng gương mẫu gì. Ở giữa môi trường không lành mạnh đó, Martino vẫn tin vào Chúa và quyết tâm sống những lời Chúa dạy, theo gương Chúa Giê-su. Đặc biệt, Martino rất thương những người nghèo khổ. Cụ thể, Martino phân phát một phần tiền lương cho người nghèo hay vui lòng đánh giày cho người hầu.

Một lần nọ vào mùa đông năm 337, tại cửa thành Amiens, Martino hiệp sĩ gặp một người ăn xin dường như trần truồng, lạnh run. Martino nhớ ngay đến lời Chúa nói: “Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc”, bèn đến gần bên người bất hạnh đó và nói: “Tôi không có tiền bạc, chỉ có áo quần và khí giới.” Nói xong, Martino rút kiếm ra, xẻ đôi chiếc áo choàng đang mặc và trao cho người ăn xin một nửa (nửa kia thuộc về quân đội Roma mà Martino đang phục vụ). Đêm hôm đó. Chúa Giê-su hiện ra với Martino, mặc lấy một nửa áo choàng Martino đã cho người ăn xin và nói lời cám ơn Martino. Rõ ràng, hành vi “cho kẻ rách rưới ăn mặc” của Martino là hành vi diễn tả cụ thể lòng thương xót được ca ngợi trong Mt 25,36 và Martino đã gặp Chúa nơi người anh em bất hạnh của mình.

Trong Thánh Kinh, “trần truồng” mang nghĩa rất tiêu cực, đó là hậu quả của tội lỗi. Chẳng hạn, sách Sáng Thế cho biết, sau khi hai ông bà A-đam và Eva trái lệnh Thiên Chúa, ăn trái cấm, thì “họ thấy mình trần truồng: họ mới kết lá vả làm khố che thân” (St 3,7). “Trần truồng” được hiểu là thân phận của người nô lệ bị đem bán, như trường hợp của ông Giuse bị anh em lột áo chờ đem bán cho những lái buôn (x. St 37,23-24), hay thân phận của những tù nhân (x. Is 20,4; Cv 12,8) hoặc bị quỷ ám (x. Mc 5,1-20). Tóm lại, theo Thánh Kinh, “trần truồng” là một nhục hình, không xứng với phẩm giá con người (x. G 24,7-10).

Tuy nhiên, Thánh Kinh vẫn nhắc đến lòng Chúa thương xót và kêu gọi mọi người bày tỏ nghĩa cử xót thương anh chị em mình, “hãy chia cơm sẻ áo cho người đói rách” (Tb 4,16). Thánh Kinh khen ngợi những ai lấy áo che thân cho những người trần trụi (Ez 18,16) và cho biết, cách ăn chay hối cải mà Thiên Chúa ưa thích là “chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi cư trú; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước anh em cốt nhục” (Is 58,7). Vì thế, nghĩa cử đó được Mt 25,36 xem là hành vi của lòng thương xót.

Đối lại với trần truồng, theo Thánh Kinh, “ăn mặc” là dấu chỉ phẩm giá con người và màu áo trắng mang tính cánh chung, là dấu ấn của con người được dự phần vào vinh quang của Thiên Chúa (x. Gv 9,8; Hc 43,18). Cả Cựu ước và Tân ước đều làm nổi bật sự trắng tinh sáng ngời của màu trắng nơi y phục của những vị đến từ trời. Chẳng hạn, tiên tri Đa-ni-en và sách Khải Huyền gọi người đến từ trời là người mặc áo trắng (Đn 7,9; Kh 4,4). Lúc Chúa Giê-su biến hình, Tin Mừng diễn tả vinh quang của Ngài như sau: “y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy” (Mc 9,3). Phụng vụ Phép Rửa buộc người mới được rửa tội mặc chiếc áo trắng để nói lên trạng thái vinh quang trong trắng nhờ ân sủng Phép Rửa mang lại.

Nói đến đây, trong Tin Mừng thánh Marco cho chúng ta hai hình ảnh trái nghịch giữa “trần trụi” và “ăn mặc” để làm nổi bật sự đối nghịch giữa chết chóc và sống lại vinh quang. Mc 14,51 có đề cập đến một thanh niên trần trụi, biểu tượng cho cái chết của Chúa Giê-su, thì ngược lại, Mc 16,5 nói đến “người thanh niên ngồi bên phải mặc áo trắng” loan báo Chúa Giê-su đã sống lại. Như vậy, ý nghĩa của nghĩa cử “cho kẻ rách rưới ăn mặc” càng sâu sắc hơn, không chỉ cho người trần truồng rách rưới được ăn mặc xứng với phẩm giá làm người của họ, mà còn khoác cho họ chiếc áo công chính, áo ân sủng để họ được ơn sống lại trong vinh quang với Chúa. Chiếc áo trắng bấy giờ là dấu chỉ của niềm hy vọng tràn trề của người lãnh nhận.

Về phần chúng ta, những Ki-tô hữu hôm nay, chúng ta thực thi lệnh truyền của Chúa “cho kẻ rách rưới ăn mặc” thế nào?

Trước hết, mỗi Ki-tô hữu nhìn lại chính mình. Vì áo mặc che thân là dấu chỉ phẩm giá con người, nên ăn mặc đoan trang, nết na là một đòi buộc để chúng ta sống đúng phẩm giá của mình. Tiếc thay, nhiều người sai lầm nghĩ rằng càng mặc cũn cỡn, hở hang thì càng đẹp, nên mang trên mình những bộ trang phục lố bịch cũn cỡn, te tua mà không biết rằng, qua cách ăn mặc, người ta đánh giá thấp về óc thẩm mỹ, về lịch sự, về văn hóa và về đức tin của chủ nhân những bộ trang phục lố lăng ấy. Vẫn biết, ăn mặc thời trang, mặc đẹp là nhu cầu của mỗi người, nhưng nhu cầu nào hạ thấp phẩm giá con người, thì chúng ta phải biết nói “không” với chúng. Tệ hơn nữa, trong khi không một quốc gia nào ở phương Tây cho phép ăn mặc cũn cỡn, lố lăng vào nhà thờ, không một nước châu Á nào cho phép khách ăn mặc thô tục đi vào nhà chùa, thì ở Việt Nam, lối ăn mặc gây phẫn nộ đó lan tràn trong những nơi thánh thiêng! Vậy, Ki-tô hữu chúng ta hãy ăn mặc đoan trang, kín đáo để diễn tả phẩm giá của chúng ta: phẩm giá của một con người và phẩm giá của một người được sống lại trong ân sủng Chúa.

Đối với tha nhân, việc giúp cho người nghèo áo mặc là một đòi buộc Ki-tô hữu để người nghèo sống đúng với phẩm giá Chúa ban. Tuy nhiên, một điều cần lưu ý, Chúa muốn chúng ta chia sẻ cho anh chị em mình với lòng thương xót những nhu cầu xứng nhân phẩm của họ, chứ không phải cho những phế liệu chúng ta muốn đổ đi. Nếu không lưu ý điều này, việc giúp đỡ áo mặc cho anh chị em nghèo là một xúc phạm đến họ.

Chúng ta có mẫu gương của chân phước Tê-rê-xa Calcutta. Mỗi sáng, Mẹ Tê-rê-xa đi ra ngoài đường phố tìm kiếm những người hấp hối bị bỏ rơi, đưa họ về nhà lưu trú để tắm rửa, cho họ áo mặc, cho ăn xứng với cái chết của một con người. Mẹ Tê-rê-xa nhắn nhủ mọi người: “Hãy ở lại nơi bạn đang ở và tìm Calcutta riêng của bạn ở đó. Hãy tìm kiếm người đau ốm, người đau khổ ngay nơi bạn ở, trong nhà hay trong gia đình của bạn, nơi bạn đang làm việc và nơi trường học… Bạn có thể tìm gặp Calcutta khắp nơi trên thế giới này nếu bạn biết mở mắt ra để nhìn. Khắp nơi bạn có thể tìm gặp những người không được ai quan tâm, không được yêu thương, không được chăm sóc, những người bị bỏ rơi.” Bởi ngoài những người bị trần truồng vì không có áo mặc, còn có những người “trần trụi” vì không có bạn bè hay gia đình, bị lãng quên hay bị bỏ rơi, không có một ai liên hệ. Họ chẳng khác gì nạn nhân trong dụ ngôn Người Samaritano nhân hậu, không chỉ bị lột sạch, mà còn bị đánh nhừ tử bỏ rơi nửa sống nửa chết. Đáng ngạc nhiên là nhiều người đi qua mà không một ai giúp đỡ “cho kẻ rách rưới ăn mặc”, như thể không trông thấy nạn nhân!

Nay, chúng ta được Chúa mời gọi “cho kẻ rách rưới ăn mặc”, giúp cho những người túng quẫn y phục xứng với nhân phẩm, đồng thời an ủi, nâng đỡ họ, mặc cho họ chiếc áo nhân ái. Một đôi khi chúng ta không có áo xống san sẻ cho anh chị em mình, nhưng chắc chắn không bao giờ chúng ta thiếu tình thương, thời gian, sự lưu tâm để san sẻ.