ĐƯỜNG MẠCH TÌNH YÊU

ĐƯỜNG MẠCH TÌNH YÊU

ĐƯỜNG MẠCH TÌNH YÊU

Vào đầu thế kỷ thứ XX, công ty Ford đang trên đà phát triển với rất nhiều đơn đặt hàng gửi tới, bỗng chiếc máy phát điện của hãng bị hỏng, dây chuyển sản xuất ngừng hoạt động. Công ty đã mời nhiều chuyên gia đến sửa nhưng tất cả đều bó tay vì không biết hư chỗ nào. Bấy giờ, kỹ sư Stan Clements được mời đến. Ông tập trung 2 ngày 1 đêm tìm nguyên nhân và sau đó, trên bảng mạch của máy phát điện, ông vẽ một đường và tại vị trí đó, ông quấn 16 vòng dây rồi cho khởi động. Lạ thay, chỉ với động tác đơn giản chiếc máy nổ lại bình thường! Khi hỏi về mức thù lao, Stan Clements nói: “Không nhiều, chỉ cần 10.000 đô là đủ”. Viên quản lý hỏi lại: “10 nghìn đô cho mỗi một việc là vẽ một đường mạch!” Stan Clements cầm tờ hóa đơn lật ngược lại rồi viết: “1 đô cho công vẽ 1 đường; 9.999 đô cho công tìm ra vị trí vẽ chỗ nào”.

Câu chuyện này chưa chấm dứt vì tiếp đó giám đốc công ty còn mời viên thợ máy này vào làm cho công ty. Biết rằng đây là một cơ hội tăng thêm thu nhập gia đình nhưng Stan Clements từ chối với lí do: ông đang làm cho một xưởng máy nhỏ, mà người chủ là vị ân nhân đã cứu ông lúc ông gian nan thiếu thốn; nếu ông bỏ xưởng ra đi, xưởng sẽ hết khách. Công ty Ford quyết định mua đứt luôn cả xưởng này. Nhiều người hỏi sao lại mua lại một xưởng máy nhỏ như vậy, viên quản lý trả lời: “Bởi vì nó có Stan Clements là người biết thế nào là lòng biết ơn và trách nhiệm với người khác.”

Ở đây ta học được bài học quí giá: cơ hội sẽ đến với ai khám phá ra và làm điều cần thiết. Máy phát điện nổ trở lại, dây chuyền sản xuất vận hành, công ty tiếp tục phát triển, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn người chỉ nhờ một động tác chính xác của viên thợ máy. Công ty Ford bỏ tiền mua lại xưởng máy nhỏ chỉ vì ở đó có một người thợ có lòng biết ơn và tinh thần trách nhiệm, là hai đức tính  mà họ thấy rất cần cho mọi công nhân.

Khi Chúa Giê-su đến thăm gia đình Mác-ta, Ma-ri-a và La-gia-rô ở Bê-ta-ni-a, người chị Mác-ta xốn xang với rất nhiều công việc tiếp khách, trong khi cô em Ma-ri-a ngồi bên Chúa, ung dung nói chuyện với Chúa. Mỏi mệt và bực bội vì cô em quá nhàn hạ, Mác-ta đến gần nói với Chúa như lời trách cứ: “Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ mà Thầy không để ý đến sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay”. Nhưng Chúa Giê-su nói với chị: “Mác-ta Mác-ta, chịbăn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một điều cần thiết mà thôi. Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất và không bị lấy mất đi được” (Lc 10, 40-41). Quả thật, công việc Maria làm tuy khỏe khoắn nhẹ nhàng nhưng là phần tốt hơn. Vì lẻ chuyện nấu nướng, dọn bàn ghế, tiếp tân, ai cũng có cơ hội làm, không lúc này thì lúc khác. Nhưng trong lúc thiên hạ muốn gặp Chúa mà không được, thì  Ma-ri-a lại được ở bên chân Chúa, lĩnh hội nhiều điều Chúa muốn nói. Cô em Ma-ri-a hơn người chị Mác-ta ở chỗ: Mác-ta làm điều Mác-ta muốn cho Chúa trong khi Ma-ri-a làm điều Chúa muốn cho Ma-ri-a. 

Nhiều khi chúng ta cũng bị cám dỗ đánh giá việc từ thiện dựa vào những con số. Chúng ta quyên góp nhiều tiền, nhiều đồ cứu trợ, tiến hành nhiều dự án, xóa nghèo cho nhiều người, đưa nhiều cháu đến trường, …Nhưng thiết tưởng ta nên hỏi lại mình, qua những “thành tích” đó, ta có được “lòng mến Chúa yêu người” là linh hồn của việc làm phúc bố thí không? Thánh Phao-lô nói trong bài ca đức ái: “Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt mà không có đức mến thì cũng chẳng ích gì cho tôi” (1 Cr 13, 3).

Khi cỗ máy phát triển xã hội bị hỏng, phải vẽ và nối lại đường mạch Tình Yêu Thiên Chúa nơi trái tim con người. Đức Giáo hoàng Bê-nê-đi-tô XVI đã từng nói: “Mọi sự đều bắt nguồn từ tình yêu Thiên Chúa, mọi sự đều được định hình bởi tình yêu ấy, và mọi sự đều qui hướng về tình yêu ấy”[1]

 

Linh mục Marcello ĐOÀN MINH

15/7/2016


[1] ĐGH Bênêđitô XVI, Thông Điệp Bác Ái trong Chân Lý, số 2