BÃI NƯỚC BỌT VÀ CHIẾC KHĂN TAY

BÃI NƯỚC BỌT VÀ CHIẾC KHĂN TAY

BÃI NƯỚC BỌT VÀ CHIẾC KHĂN TAY

Một bác sĩ kể chuyện một ông bố có đứa con 10 tuổi bị nhập viện vì bị rách da đầu chảy nhiều máu. Bởi vì có nhiều bệnh nhân đang chờ cấp cứu, nên ông khám và cho người nhà biết tuy vết thương rách da đầu gây chảy rất nhiều nhưng  không nguy hiểm như những bệnh nhân bị tổn thương nội tạng, nên y tá sẽ băng sơ cứu và xin chờ giải quyết sau. Nhưng ông bố không chịu. Sau một hồi đối chất, cuối cùng như lời bác sĩ kể, ông này “dang tay đấm thẳng vào mặt tôi và nhổ hẳn một bãi nước bọt vào chính giữa mặt tôi, rồi dọa sẽ giết chết cả nhà tôi”. Thời gian tiếp theo là những ngày, tháng và năm, vị lương y này sống với những tâm trạng và ý nghĩ tiêu cực: ám ảnh bị đe dọa, sợ hãi, sống đóng kín, tủi nhục, hoảng loạn, muốn nghỉ việc, mệt mỏi, ... Đến lúc không chịu nỗi nữa, ông xin chuyển đổi công tác và phải mất nhiều năm để "sửa chữa những thiệt hại về tâm hồn".[1]

Dù thông cảm với người cha, nhưng không ai chấp nhận cho những hành vi thô bạo, vô liêm sỉ như thế đối với vị bác sĩ. Đàng khác, ai cũng cảm mến vị lương y nếu đúng như ông nói, trong nhiều năm, phải cố gắng vượt lên chính mình để “trụ lại” trong nghề. Tuy nhiên, tình trạng phản ứng tiêu cực kéo dài của ông khiến chúng ta tự hỏi:

- Ông có được chuẩn bị tâm lý để sống trong những tình huống như vậy chưa? Hay đã tự vẽ vầng hào quang cho cá nhân mình hay nghề y của mình, để rồi chao đảo hoảng loạn khi vấp phải thực tế phũ phàng không như mình tưởng?

- Phải có con tim thép mới không thấy tủi nhục khi bị đối xử tồi tệ như vậy, nhưng có nhất thiết phải khổ sở nhiều năm, vì một sự xúc phạm từ phía một người cha đang lo âu không? Nếu ở vào vị trí ông này và hiểu hoàn cảnh gia đình, quá trình giáo dục, bạn bè, nghề nghiệp, tâm lý, cá tính, ……của ông, rồi thêm yếu tố thời tiết, tình huống đứa con bị rách da đầu, có khi vị bác sĩ sẽ hiểu những phản ứng nóng nảy thô bạo kia là điều khó tránh khỏi, để rồi ông sẽ bớt đi mức độ quẫn trí và thời gian tự đày đọa mình?

- Cũng may là vị này vẫn còn hành nghề, không ở chỗ này thì ở chỗ kia, nhưng trong thời gian chưa hồi phục tinh thần, liệu tâm lý bất ổn bất an có tác động tới việc điều trị cho bệnh nhân không, có làm giảm thiểu độ chính xác tinh tế, có giảm thiểu tâm tình từ mẫu khi hành nghề không?

Một lần kia, Đức Phật đang thuyết pháp thì chợt có một người đi đến gần rồi nhổ nước bọt vào mặt của ngài. Đức Phật thản nhiên lau đi rồi hỏi: - Còn gì nữa không? Ông còn muốn hỏi điều gì nữa không?  

Sách tu đức Ki-tô giáo kể chuyện: một nữ tu nhân đức làm việc bác ái, khi đến nhà một đại gia xin của bố thí cho người nghèo đã bị ông này nhổ một bãi nước bọt vào mặt, nhưng chị ung dung lấy khăn tay ra lau, rồi đưa bàn tay về phía ông và nói: đó là quà ông tặng cho tôi, còn quà ông cho người nghèo đâu?

Một hội viên hội Bác ái Vinh-sơn chia sẻ chuyện ông đến nhà một người có tên trong “danh sách các ân nhân”, để nhận số tiền ông này hứa đóng góp hàng tháng, để hội mua gạo giúp người nghèo. Khi thấy ông tới, vị "ân nhân" đứng trên lầu cầm tờ bạc 10.000 đồng thả xuống, người hội viên đưa tay đỡ lấy tờ bạc rồi ngó lên để nói đôi lời chào và cám ơn, nhưng không kịp vì ông đã vô nhà đóng cửa lại.

Đức Phật, vị nữ tu, người hội viên cũng có nhân phẩm, ai cũng thấy mình bị xử tệ, nhưng điều gì khiến cho cả ba đã giữ được sự điềm tĩnh, để trước một ứng xử khiếm nhã, nhân phẩm của họ không mất đi nhưng lại càng được đáng yêu, đáng kính? Thiết nghĩ với đức Phật, đó là sự giác ngộ và tâm tình từ, bi, hỉ, xả chiếm ngự tâm hồn ngài trong mọi đối nhân xử thế. Còn nơi vị nữ tu và hội viên bác ái, lòng yêu thương người nghèo làm cho họ can đảm bỏ mình, theo gương tự hủy của Chúa Giê-su. Chúng ta liên tưởng tới những người cha, người mẹ cúi đầu thinh lặng, ngậm đắng nuốt cay, trước những xỉ vả bất công, thậm chí roi đòn của ông xếp, bà chủ cũng chỉ vì thương con, muốn cho con có tiền ăn học. Họ hiểu rằng ở đời hai chữ ‘nhẫn' và 'nhục’ thường đi với nhau!

Hội viên Caritas học nhiều bài về kỹ năng và linh đạo. Nhưng cần ghi tâm khắc cốt trước tiên bài học tự hủy của Chúa Giê-su để biết quên mình, chấp nhận sỉ nhục, đau khổ, vô ơn. ‘Tự hủy theo gương Chúa Giê-su’ là bí quyết giúp họ luôn giữ được bình an, và niềm vui trong sứ vụ khi gặp tình huống ngoài ý muốn. Nhiều người, nhất là những người nghèo, người đau khổ biết ơn vì hi sinh giúp đỡ của họ. Nhưng cũng có những ‘bãi nước bọt’ đâu đó sẵn sàng phun vào mặt họ, dưới hình thức này hình thức nọ. Khi đó, họ đã có ‘chiếc khăn tay’ trong túi áo mình để lau khô 'nước bọt' đi, tạ ơn Chúa vì mình được nên giống Chúa hơn rồi tiếp tục phục vụ.

 

Hội An, 19/4/2018

Lm. Marcello ĐOÀN MINH


[1]Xem bài viết “Cú Đấm và Nhân Phẩm” của Trần Văn Phúc, ngày 18/4/2018, trên VNEXPRESS