YÊU THƯƠNG NHƯ CHÚA GIÊ-SU

YÊU THƯƠNG NHƯ CHÚA GIÊ-SU

YÊU THƯƠNG NHƯ CHÚA GIÊ-SU

Trong Cựu Ước đã có giới luật thương người lân cận, như sách Lê-vi đoạn 19, câu 18 viết:“Ngươi phải yêu người lân cận như chính mình ngươi”; Thập giới có những điều khoản yêu cầu tôn trọng tha nhân (Xh 20, 12-17). Nhưng tại sao Chúa Giê-su gọi giới răn yêu thương là “điều răn mới” của Chúa? Đâu là nét mới trong giới răn yêu thương của Chúa Giê-su?

Thánh Âu-tinh cũng đặt ra vấn đề đó và ngài trả lời rằng: tình yêu Chúa Giê-su nói tới ở đây không phải là bất cứ tình yêu nào của người phàm trần có đối với nhau, nhưng là tình yêu thương như Chúa đã yêu thương ta. Điểm mới mẻ nằm ở chỗ, đây là tình yêu đổi mới chính người yêu và người được yêu cách sâu xa triệt để: “biến chúng ta thành những con người mới, những người kế thừa Giao Ước Mới. Tình yêu này đã đổi mới cả những người công chính thời xa xưa, các Tổ Phụ và Ngôn Sứ; cũng như sau đó đổi mới các thánh Tông Đồ. Ngày nay chính tình yêu này đang đổi mới các dân ngoại; đang qui tụ và kết hợp toàn thể nhân loại sống rải rác khắp bốn phương trời thành một dân mới, nên thân thể của Tân Nương.”[1]

Nếu tình yêu hôn nhân biến đổi hai người, làm cho họ nên một xương một thịt và nên như con cái trong gia đình hai bên, thì tình yêu mới theo đúng nghĩa– yêu như Chúa yêu, sẽ đưa ta vào trong quỹ đạo tình yêu thương của Chúa Kitô, ở đó người ta“thương nhau như những người thương nhau và họ đều là thần linh và là con cái Đấng Tối Cao, đến nỗi họ trở thành anh em của Con Một Thiên Chúa”.[2]Nhờ tình yêu này, người ta sẽ giúp nhau đạt tới quê hương trên trời. 

Đối với Kitô hữu, đức bác ái họ thực thi theo lệnh truyền của Đức Kitô, không phải là lòng nhân ái thường tình người này dành cho người kia. Nhưng đây là thứ tình yêu đượm chất tôn giáo, mang tính thần linh, phát xuất từ nội tâm và niềm tin sâu xa vào Thiên Chúa. Kitô hữu không phải chỉ tin là có Thiên Chúa, nhưng còn tin Thiên Chúa đã yêu thương mình: “Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng là chính Người đã yêu thương chúng ta” (I Ga 4,10).  Họ xác tín mình là đối tượng được Thiên Chúa yêu thương (X. Rm 1,7). Là người Kitô hữu, họ phải để cho Thiên Chúa “đổ tràn tình yêu của Người vào lòng” (Rm 5,5), biến đổi họ nên con người mới. Một khi con người cũ nơi họ chết đi họ sẽ có con tim mới để yêu thương nhau như Chúa Giê-su đã yêu thương họ.

Như vậy, để thực thi mệnh lệnh yêu thương anh em của Chúa Giê-su, ta phải đón nhận tình yêu Thiên Chúa như một ân huệ nhưng không Chúa ban cho. Khi đó lòng yêu mến tha nhân là cách để ta đáp lại tình yêu Thiên Chúa và lấy khuôn mẫu từ tình yêu của Thiên Chúa. Hiểu như thế, hội viên Caritas thực thi bác ái sẽ là chứng nhân tình yêu của Thiên Chúa cho anh em; việc đó chỉ có ý nghĩa trọn vẹn khi họ yêu anh em như Chúa đã yêu thương họ. 

 

Linh mục Marcello ĐOÀN MINH


[1] Thánh Âu-tinh, Khảo luận Tin Mừng theo thánh Gioan, trích lại trong bài đọc II giờ kinh sách thứ năm tuần IV Phục Sinh.

[2]Sđd.