XIN THA NỢ CHÚNG CON NHƯ CHÚNG CON CŨNG THA KẺ CÓ NỢ CHÚNG CON
Tuần vừa qua, chúng ta đã tìm hiểu lòng Chúa thương xót qua dụ ngôn Tên Mắc Nợ Không Biết Thương Xót (Mt 18,21-35). Kết thúc cho dụ ngôn này đồng thời cho câu trả lời rõ ràng trước câu hỏi của thánh Phê-rô: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?” (Mt 18,21), Chúa Giê-su đã nói: “Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình” (c.35). Như vậy, tha thứ cho anh em mình là đòi buộc đối với những ai muốn hưởng lòng thương xót của Thiên Chúa.
1. “Xin tha nợ chúng con”
Lời người đầy tớ van xin nhà vua tha cho món nợ không thể trả nỗi “Thưa Ngài, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả hết” nay được lặp lại trong kinh Lạy Cha: “Xin Cha tha nợ chúng con.” Chỉ khác một điều, thay vì nhà vua là chủ nợ thì Chúa Giê-su dạy cho chúng ta biết, Cha chúng ta ở trên trời là Chủ nợ, còn tất cả chúng ta là con nợ của Ngài.
Từ “nợ” trong Do Thái giáo được hiểu là tội lỗi của con người, là thái độ bất tuân của con người đối với lề luật của Thiên Chúa. “Nợ” này con người không thể trả được, vì nó xúc phạm đến Thiên Chúa là Đấng Thánh, nó làm gãy đổ mối tình thân với Thiên Chúa. Chỉ nhờ lòng thương xót của Thiên Chúa Cha, con người mới được tha thứ hết món “nợ” lớn lao ấy nhờ cái chết của Chúa Giê-su trên thánh giá và nhờ ơn tác thánh của Chúa Thánh Thần. Nói cách khác, Thiên Chúa tha “nợ” tha tội cho con người chỉ vì lòng Ngài thương xót con người, không muốn một ai bị hư mất đi.
Lòng thương xót của Thiên Chúa là lý do con người được tha thứ. Thiên Chúa tha thứ không bị ép buộc, cũng chẳng phải vì công nghiệp của chúng ta, mà chỉ vì lòng từ ái của Ngài. Trong thư thứ hai gởi tín hữu Corintho, thánh Phaolo đã nói: “Mọi sự ấy đều do bởi Thiên Chúa là Đấng đã nhờ Đức Ki-tô mà cho chúng ta được hòa giải với Người, và trao cho chúng tôi chức vụ hòa giải” (2Cr 5,18). Vả lại, qua kinh Lạy Cha, Chúa Giê-su dạy cho chúng ta biết, Thiên Chúa không chỉ là Chủ “nợ”, mà Ngài còn là Cha của chúng ta nữa. Vì thế, Ngài không hề keo kiệt tính toán đòi buộc chúng ta phải trả xong nợ cho đến đồng xu cuối cùng, dĩ nhiên điều đó vượt ngoài khả năng của chúng ta trước số “nợ” khổng lồ là xúc phạm đến Thiên Chúa. Nhưng Ngài tha hết “nợ”, hết tội lỗi chúng ta chỉ vì Ngài là Cha của chúng ta, thậm chí còn cho Con Một Ngài là Chúa Giê-su đền tội cho chúng ta nữa. Thật vậy, sự tha thứ và lòng thương xót của Thiên Chúa lớn hơn mọi tội lỗi của chúng ta. Lòng thương xót của Ngài có quyền năng tẩy sạch tất cả mọi lỗi lầm của con người và làm cho niềm vui cư ngụ trong tâm hồn con người.
Là lòng thương xót nhập thể, Chúa Giê-su hiện diện giữa thế gian để diễn tả lòng thương xót của Chúa Cha, cao điểm là lời tha thứ của Ngài trên thánh giá: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,24). Với lời bao dung ấy, Chúa Giê-su cho thấy lòng thương xót của Thiên Chúa lớn hơn mọi tội lỗi bội phần.
Trước lòng thương xót hải hà của Thiên Chúa, lời cầu xin “Xin Cha tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con” không được hiểu rằng ai sẵn sàng tha thứ (tha nợ) cho anh chị em mình là có công nghiệp trước mặt Chúa và có quyền đòi hỏi Chúa phải tha thứ cho mình. Trái lại, cần hiểu rằng, con người chỉ được phép cầu xin Chúa thương xót một khi về phần mình đã sống tha thứ và xót thương anh chị em mình.
2. “Như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con"
Tha thứ cho anh chị em mình trước là điều kiện khẩn nài xin Chúa tha thứ tội lỗi cho mình. Điều này được diễn ta sống động trong dụ ngôn “Tên Mắc Nợ Không Biết Thương Xót” qua lời của vị vua: "Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta, thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao? " Lời nói của vua nhấn mạnh thêm tầm quan trọng mối tương quan của Ki-tô hữu với Thiên Chúa và với anh chị em mình. Không thể chấp nhận tình trạng bất công, một đàng đón nhận lòng thương xót và thứ tha; một đàng vẫn hẹp hòi khước từ người khác. Nói cách khác, khi Ki-tô hữu sống lòng thương xót đối với anh chị em mình là vì họ đã cảm nghiệm được sự thứ tha của Thiên Chúa dành cho mình như một cuộc tái tạo trái tim, từ trái tim bằng “đá”, nay được biến đổi trở nên trái tim bằng “thịt”, một trái tim có lòng thương xót.
Thiên Chúa đòi hỏi chúng ta phải tha thứ cho tha nhân về những lỗi của họ đã phạm đến chúng ta. Nếu không làm như thế, chúng ta chẳng hiểu gì lòng Chúa thương và cũng chẳng dám nài xin Chúa tha tội cho mình. Lời Chúa trong Sách Huấn Ca ghi lời Chúa rằng: “Hãy tha thứ cho tha nhân điều xúc phạm họ gây ra, thì như thế khi bạn cầu nguyện, tội lỗi bạn sẽ được tha. Nếu ai cứ nuôi lòng hờn giận với người khác, thì làm sao lại dám xin Chúa chữa lành?” (Hc 28, 2-3). Chúa Giê-su cũng từng khẳng định: “Anh em hãy tha thứ thì sẽ được Chúa thứ tha” (Lc 6,37). Đó là lý do vì sao khi nài xin Chúa thương xót, Ki-tô hữu phải nêu lên lòng thương xót của mình dành cho người khác như cách thế duy nhất thể hiện lòng khao khát được Chúa xót thương. ĐTC Bênêđictô XVI đã quả quyết trong thông điệp "Thiên Chúa là Tình Yêu” rằng, “Chính sự sẵn sàng của tôi đến với người thân cận, để minh chứng tình yêu đối với họ, sẽ làm cho tôi dễ cảm nghiệm Thiên Chúa. Chỉ có việc phục vụ tha nhân mở mắt cho tôi thấy điều Thiên Chúa làm cho tôi và Người đã yêu tôi như thế nào" (số 18).
Nêu lên lòng tha thiết được Chúa thương xót, Ki-tô hữu nại đến lòng mình khát khao được thánh thiện và thương xót như tâm tình của Thiên Chúa, “như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con.” Chữ “như” trong lời nguyện với Thiên Chúa qua kinh Lạy Cha diễn tả ước vọng được mặc lấy tâm tình của Chúa. Khi giảng dạy, Chúa Giê-su nhiều lần dùng chữ “như”: "Anh em hãy nên hoàn thiện "như" Cha anh em trên trời là Ðấng hoàn thiện” (Mt 5,48); “Anh em hãy có lòng nhân từ "như" Cha anh em là Ðấng nhân từ” (Lc 6,36) ; “Thầy ban cho anh em một điều răn mới: anh em hãy yêu thương nhau "như" Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34). Tóm lại, lãnh nhận lòng thương xót và thứ tha của Chúa, Ki-tô hữu không chỉ bắt chước Chúa bằng những hành vi bên ngoài, mà còn học lấy tâm tình của Chúa nữa. Theo thánh Phaolo, chỉ nhờ ơn Chúa Thánh Thần, chúng ta mới có thể có tâm tình như tâm tình của Thiên Chúa. Khi được hiệp thông với Thiên Chúa đầy lòng tha thứ, “chúng ta biết tha thứ cho nhau “như” Thiên Chúa đã tha thứ cho chúng ta trong Đức Ki-tô” (Ep 4,32). Chúng ta sống sự hiệp thông này trong cầu nguyện, nhất là trong bí tích Thánh Thể.
Thiên Chúa không nhận lễ vật của kẻ gây bất hòa, Ngài dạy họ để của lễ lại bàn thờ về giao hòa với anh chị em trước đã. Thiên Chúa chỉ vui nhận lời cầu nguyện trong an hòa. Đối với Thiên Chúa, lễ dâng đẹp nhất là sự hiệp thông, bình an của dân Chúa trong sự kết hiệp với Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.
Kết luận, điều cần làm trước hết là chúng ta phải tha thứ và xót thương anh chị em chúng ta trước khi đến xin Chúa thương tha thứ tội lỗi cho chúng ta.