Viết tiếp câu chuyện tình yêu

Viết tiếp câu chuyện tình yêu 

Cái nhìn tổng quan

Chương trình cứu rỗi nhân loại kéo dài từ đầu cho đến tận cùng dòng thời gian, trong đó từng giai đoạn kết nối chặt chẽ với những giao ước, những hoạt động, những cá nhân cũng như tập thể được Thiên Chúa kêu mời cộng tác. Những diễn biến đó không tách rời biệt lập, nhưng kết thành một thể thống nhất, hướng về cùng đích tối hậu là làm cho con người và cả vũ trụ được hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa. Đỉnh cao của chương trình này là việc Con Thiên Chúa làm người, chịu chết và sống lại để cứu chuộc nhân loại. Biến cố Chúa Giêsu thăng thiên kết thúc cuộc sống tại thế của Chúa trong thân xác thể lý. Người không còn gặp gỡ Ngài, nhìn thấy ngài bằng mắt thường. Nhân tính của Chúa đi vào trong vinh quang, thân xác đó đã vinh hiển và được kết hợp với Thiên Chúa Cha và được siêu tôn là vua cả vũ hoàn. 

Chúa về trời không bỏ dở dang công trình đang thực hiện, nhưng là chuyển sang một giai đoạn mới. Chúa không chia ly nhưng đúng hơn là để tháp nhập dòng thời gian vào với vĩnh cửu, kết nối trời với đất, con người với Thiên Chúa. Trong thời gian tại thế, Chúa Giêsu đã công bố Tin Mừng và thiết lập Nước của Thiên Chúa. Nay đến lượt các tông đồ và các đấng kế vị tiếp tục những gì Chúa đã khởi đầu cho đến khi Chúa lại đến. Chúa lên trời, sứ mệnh loan báo Tin Mừng sang trang mới. Chúa Giêsu vẫn ở với các ông để cùng các ông để viết tiếp câu chuyện tình yêu của Chúa: “Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.”(Mt 28,20). Chúa vắng mặt nhưng lại hiện diện một cách thâm sâu hơn, sống động hơn cùng với Thánh Thần được ban xuống và sẽ ở cùng Giáo Hội luôn mãi. Nhờ sức mạnh Chúa Thánh Thần, Đức Kitô tác động bên trong các tâm hồn, thanh luyện, biến đổi và làm cho họ luôn hăng hái nhiệt tình trong sứ vụ Chúa Giêsu giao phó. Chính các ông đã nghiệm thấy rằng “Có Chúa cùng hoạt động với các ông, củng cố lời rao giảng bằng các phép lạ kèm theo” (Mc 16,20).

Caritas lên đường phục vụ

Các tông đồ đang mãi ngắm nhìn Chúa Giêsu lên trời chợt có hai người bận áo trắng hiện ra nói với các ông: “Hỡi người Galilêa sao còn đứng mãi nhìn trời” (Cv 10, 11). Đây là lời kêu mời trở về với sứ mệnh, đây là lệnh lên đường và lên đường với Chúa. Phải đi vào đời với Chúa để ta vừa sống trong đời, vừa có cái nhìn về phía bên kia cuộc đời, “có khả năng nhìn xa hơn lịch sử mà không tách mình khỏi lịch sử”[1]. Có Chúa cùng đồng hành,ta biết phải hành động với những cách thức của Chúa và niềm tin vào Chúa. Có Chúa dẫn lối, ta biết mình phải đi con đường Thập Giá để vào vinh quang. Có Chúa luôn ở bên, cho ta biết chọn lựa những gì có giá trị cho cuộc sống mai hậu, chứ không chỉ nhắm chỉ báo đời này: mức sinh hoạt cao, năng suất kinh tế vượt bậc. 

Hội viên Caritas được mời gọi để lên đường phục vụ và phục vụ với bản sắc riêng của mình. Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nhắc nhủ điều này trong Thánh Lễ khai mạc đại hội Caritas quốc tế vừa qua. Ngài nói: “Căn cội ơn gọi tất cả việc phục vụ của anh chị em hệ tại đón tiếp Thiên Chúa trong tinh thần đơn sơ và vâng phục, và đón tiếp tha nhân. Sự đón tiếp này được thể hiện trước tiên nơi chính anh chị em rồi anh chị em ra đi trên thế giới, phục vụ họ nhân danh Chúa Kitô, Đấng mà anh chị em đã gặp và gặp Ngài nơi mỗi người anh em, chị em, chính vì thế Caritas tránh trở thành một tổ chức nhân đạo mà thôi”.Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng: “Ai sống sứ mạng của Caritas thì không phải chỉ là một nhân viên bác ái, nhưng là một chứng nhân của Chúa Kitô. Một người tìm kiếm Chúa Kitô và để cho mình được Chúa Kitô tìm kiếm; một người yêu mến với tinh thần của Chúa Kitô, tinh thần nhưng không, tinh thần trao tặng. Tất cả những chiến lược và kế hoạch của chúng ta sẽ là trống rỗng nếu chúng ta không mang trong mình tình yêu ấy. Không phải tình yêu của chúng ta nhưng là tình yêu Chúa. Hoặc đúng hơn nữa, đó là tình yêu của chúng ta được tình yêu Chúa thanh tẩy và củng cố”.

                                                                                                                                                      Lm. Marcelo Đoàn Minh, Lễ Chúa Thăng Thiên

 

[1]Tóm lược Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội Công Giáo, số 545.