TRỜI XUÂN VÀ CÕI PHÚC
Tiếng gọi mùa Xuân
Một ông phú hộ kia tiền bạc của cải dư ăn dư để, nhưng ít khi ra ngoài tiếp xúc với người khác. Không những trong mùa đông giá lạnh mà cả khi mùa xuân đã về, nắng mới đã lên, ông vẫn giam mình trong biệt thự sang trọng. Một hôm nghe chim hót trong vườn, ông mở cổng bước ra khỏi vườn, đôi mắt ông mở to, tâm hồn bừng tỉnh trước thiên nhiên xinh đẹp và cảnh sống nhân gian rộn ràng mà lâu nay ông không biết ngắm nhìn chiêm ngưỡng.
Nghe chuyện trên, có người sẽ bảo: chắc ông này bị ‘trầm cảm’ rồi mới như thế chứ bình thường ai lại làm vậy! Về phương diện tự nhiên chúng ta không giống ông nhưng biết đâu về phương diện siêu nhiên, chúng ta cũng có thái độ giống như ông: đó là đóng kín nơi chính mình không biết đến cả một trời phúc lộc bao la Chúa ban cho mình. ‘Mùa hồng ân’ và ‘ngày cứu rỗi’ đang tới với ta trong từng khoảnh khắc nhưng ta không mở lòng mình ra tiếp nhận để thấy mình cứ mãi cô đơn trống vắng, vật vã với những thiếu thốn, lo toan, thiếu niềm tin yêu và hi vọng!
Ngày tất niên năm nay trùng với Chúa nhật V Thường niên. Trong cả ba bài đọc phần Phụng vụ Lời Chúa ta đều thấy xuất hiệnnhững nhân vật tiếp xúc Thiên Chúa dưới những dạng thức khác nhau.
- Nơi bài đọc I, tiên tri Isaia thị kiến cảnh thiên quốc với triều thần thánh ca hát chúc tụng Thiên Chúa: “Thánh! Thánh! Thánh! …Cả mặt đất rạng ngời vinh quang Chúa”. Trong khung cảnh huy hoàng thánh thiện đó, vị tiên tri thấy mình “ô uế, bất xứng, giữa một dân môi miệng ô uế bất xứng”. Nhưng chính Chúa Chí Thánh đã sai thiên sứ gắp than bàn thờ chạm đến môi miệng ngôn sứ để tha tội và và sai đi phục vụ Ngài (x. Is 6, 3-8)
- Còn vị Thiên chúa được nói đến trong bài Tin Mừng không phải là Thiên Chúa vinh quang trên các tầng trời, nhưng là một người- Đức Giêsu Kitô- ngồi trên thuyền giảng dạy cho đám đông ven bờ hồ. Ngài tỏ uy quyền cho Phêrô qua mẻ cá lạ lùng chứa đầy hai chiếc thuyền, khiến Phêrô sấp mình dưới chân thưa với Chúa: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi.” (Lc 5, 8).
- Trong bài đọc II, Thánh Phaolô kể lại kinh nghiệm ngài gặp Chúa Kitô phục sinh, tiếp nhận từ nơi Chúa sứ vụ loan báo Tin Mừng cứu rỗi. Ngài coi mình như đứa con đẻ non và là người hèn mọn nhất trong các Tông Đồ, bởi đã ngược đãi Hội Thánh Chúa (x. 1 Cr 15, 1-11).
Những thánh nhân gặp Chúa đều có chung thái độ là khiêm tốn nhìn nhận mình bất xứng tội lỗi và cung kính tôn thờ. Cùng với nhân gian đón mùa xuân về, người Kitô hữu cũng được mời gọi để lắng nghe tiếng gọi của Mùa Xuân Ân Phúc để biết nhận ra ơn Chúa: Chúa đã yêu thương kêu gọi và tuyển chọn chúng ta làm con cái Ngài và làm dân riêng của Ngài. Như thánh Phaolô, chúng ta biết ơn Chúa và xác tín rằng: “Tôi có là gì cũng là nhờ ơn Thiên Chúa, và ơn Người ban cho tôi đã không vô hiệu” (1 Cr 15, 10).
Đi vào Trời Xuân
Mùa xuân dương thế tưng bừng, khởi sắc đến mấy cũng chỉ là những “ngày xuân con én đưa thoi”. Trong một câu đối cổ, ta thấy tác giả nói đến điều kiện cho một mùa xuân bất tận và hạnh phúc không tàn phai.
Xuân nhập xuân thiên xuân bất lão
Phúc lâm phúc địa phúc vô cương [1]
Có đi vào trời xuân mới tìm thấy được mùa xuân không tàn; có đi vào cõi phúc mới hưởng được niềm hạnh phúc vô biên. ‘Trời xuân’ và ‘cõi phúc’ đối với Kitô hữu chính là thiên đàng, Nhà Cha trên trời, nơi không còn khổ đau, chết chóc. Kitô hữu mừng Tết đón xuân nhưng không tự giam mình bầu trời hạ giới này hay thỏa mãn với ‘thức ăn trần thế’, nhưng hướng lòng về Trời Mới Đất Mới, Quê Hương của Mùa Xuân Vĩnh Cửu.
Nhưng đi vào Trời Xuân đó không có nghĩa là trở nên xa lạ với mùa xuân ở đây, lúc này. Các thánh nhân trên đây khi gặp gỡ Thiên Chúa cũng chính là lúc họ đón lấy sứ mệnh sai đi làm sứ giả cho Ngài. Thiên Chúa mời gọi chúng ta đem yêu thương cho anh chị em đau liệt cùng khổ. Tấm lòng yêu thương và bàn tay nhân ái chính là ‘thiên xuân’, ‘địa phúc’ cho họ, cho ta, cho hết mọi người. Đó cũng là những Đóa Hoa Xuân Thiên Quốc nở ra trong tim người để làm đẹp cho mùa xuân nhân thế.
Lm. Marcello ĐOÀN MINH
05.2.2016
[1] Trần Lê Sáng (Chủ biên), 5000 Hoành Phi Câu Đối Hán Nôm (Hà Nội: NXB Văn Hóa Thông Tin, 2006), 162. Trong sách này, hai câu trên được dịch nghĩa như sau: “Xuân nhập trời xuân, xuân bất lão/ Phúc vào đất phúc, phúc vô biên”.