"TÔI KHÁT" (Ga 19, 28) - Bài suy niệm của Đức Thánh Cha Phanxicô tại buổi cầu nguyện liên tôn Assisi
WHĐ (21.09.2016) – Chiều 20-09, tại Assisi, trong khuôn khổ Ngày Thế giới cầu nguyện cho hoà bình 2016, trước sự hiện diện của các vị đại diện những tôn giáo lớn trên thế giới, Đức Thánh Cha Phanxicô đã có bài suy niệm theo chủ đề của Ngày này – "Khao khát hoà bình. Đối thoại giữa các tôn giáo và các nền văn hoá” – như sau:
Cùng quy tụ trước Chúa Giêsu chịu đóng đinh, chúng ta nghe lời “Tôi khát” (Ga 19, 28) của Chúa vẫn đang vọng đến chúng ta. Đối với con người, khát là đòi hỏi khẩn thiết hơn đói, nên cũng dữ dội và khổ sở nhất. Vậy chúng ta hãy chiêm ngắm mầu nhiệm Thiên Chúa Toàn Năng, Đấng đã vì lòng thương xót mà trở nên một người nghèo túng trong nhân loại. Chúa khao khát những gì? Hẳn nhiên là khát nước, điều thiết yếu đối với sự sống. Nhưng trên hết, là khát tình thương yêu, yếu tố cần thiết không kém để sống ở đời. Người khát khao ban cho chúng ta nước hằng sống của tình yêu nơi trái tim Người. Tiên tri Giêrêmia diễn tả Thiên Chúa cảm kích về tình yêu của chúng ta: “Ta nhớ lại lòng trung nghĩa của ngươi lúc ngươi còn trẻ, tình yêu của ngươi khi ngươi mới thành hôn” (Gr 2,2). Nhưng cũng cho thấy Chúa đau khổ vì con người vong ân, bội nghĩa bạc tình – lời Chúa như cũng đang nói hôm nay – “Chúng đã bỏ Ta là suối nước hằng sống, rồi làm cho mình những hồ nứt rạn, sứt mẻ, không giữ được nước” (Gr 2,13). Đó là bi kịch của “trái tim khô cằn”, của tình yêu không được đáp lại, một bi kịch tái diễn trong Tin Mừng, khi nghe Chúa Giêsu nói “Tôi khát”, một người liền mang cho Người dấm chua, tức rượu đã hỏng. Như lời thánh vịnh tiên báo: “Con khát nước, chúng lại cho uống giấm chua” (Tv 69,22).
“Đấng yêu thương lại không được mến yêu”, đó là điều khiến Thánh Phanxiô Assisi nhức nhối. Vì yêu mến Chúa chịu đau khổ, thánh nhân đã cất tiếng khóc than chẳng chút ngượng ngùng (x. Fonti Francescane, số 1413). Lòng chúng ta cũng phải như thế khi chiêm ngắm Đức Kitô chịu đóng đinh, Đấng khao khát tình yêu thương. Mẹ Têrêsa Calcutta ước ao trong nhà nguyện của các cộng đoàn nữ tu của ngài sẽ đề lời “Tôi khát” bên cạnh thánh giá. Mẹ muốn làm dịu cơn khát tình thương yêu của Chúa Giêsu trên thập giá qua việc phục vụ những người nghèo khổ nhất. Quả thật cơn khát của Chúa được lòng yêu thương nhân hậu của chúng ta làm dịu; Người được an ủi khi chúng ta nhân danh Người cúi xuống nỗi khổ đau của mọi người. Trong ngày phán xét, những người sẽ được gọi là “có phúc” là những ai đã cho kẻ khát được uống, những ai đã mang những cử chỉ yêu thương đến với những người đang lâm cảnh hoạn nạn: “Khi anh em làm như vậy với một trong những anh chị em bé mọn nhất của tôi đây, là anh em đang làm cho chính tôi” (Mt 25,40).
Lời Chúa Giêsu nói đang mời gọi chúng ta, đang đòi chúng ta đón nhận vào trái tim mình, và đáp lại bằng cả cuộc đời. Trong lời “Tôi khát” của Chúa Giêsu, chúng ta nghe vang vọng tiếng nói của những người đang đau khổ, tiếng khóc nghẹn lời của những trẻ thơ vô tội bị gạt ra khỏi vùng có ánh sáng của thế giới này, tiếng van nài thảm thiết của những người nghèo khổ cùng cực và những ai đang rất thiết tha mong mỏi hoà bình. Những nạn nhân của chiến tranh –những cuộc chiến làm nhơ uế con người bằng sự thù hận và hủy hoại trái đất bằng khí giới– đang van nài hoà bình; anh chị em của chúng ta, những người đang sống dưới sự đe dọa của bom đạn và buộc phải rời khỏi nhà cửa của mình bước vào cuộc sống vô định, mất hết mọi thứ, đang nài xin hoà bình. Tất cả những con người đó đều là anh em, chị em của Đấng bị đóng đinh, những con người bé nhỏ trong Vương quốc của Người, những chi thể mang thương tích và khô héo của Người. Họ đang khát. Và như Chúa Giêsu, họ luôn nhận được giấm chua của sự khước từ. Có ai lắng nghe họ? Có ai lưu tâm trả lời họ? Họ chỉ luôn gặp những im lặng dửng dưng, sự ích kỷ của những kẻ khó chịu vì bị quấy rầy, vẻ lạnh lùng của kẻ giả điếc trước tiếng khóc kêu cầu giúp đỡ trong khi vẫn nhàn nhã ngồi bấm đổi kênh truyền hình.
Đặt mình trước Đức Kitô bị đóng đinh, “sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa” (1 Cr 1,24), Kitô hữu chúng ta được mời gọi chiêm ngắm mầu nhiệm Tình yêu không được đáp lại đã tuôn đổ lòng thương xót trên trần gian. Nơi cây thập giá, cây mang lại sự sống, sự dữ được biến đổi thành sự lành; chúng ta cũng vậy, là môn đệ của Đấng bị đóng đinh, chúng ta được kêu gọi trở thành “cây sự sống” hút lấy chất gây nhiễm là thói thờ ơ và phục hồi dưỡng khí là tình yêu cho thế giới. Từ cạnh sườn của Đức Kitô trên Thập giá nước đã chảy ra, là biểu tượng của Thần Khí ban sự sống (x. Ga 19,34); như vậy, từ chúng ta, tín hữu của Người, cũng phải tuôn trào lòng nhân hậu cho những ai ngày nay đang khát.
Như Đức Mẹ đứng bên Thập giá, chúng ta hãy xin Chúa cho chúng ta được liên kết với Người và đứng bên những người đang đau khổ. Xin Chúa đưa chúng ta đến bên những người đang sống cảnh bị đóng đinh, và được củng cố nhờ tình yêu của Chúa Giêsu bị đóng đinh và đã sống lại, chúng ta biết thăng tiến sự hoà hợp và hiệp thông hơn nữa. “Vì chính Người là bình an của chúng ta” (Ep 2,14), Người đã đến rao giảng hoà bình cho mọi người khắp gần xa (x. Ep 2,17). Xin Người giữ tất cả chúng ta trong tình yêu của Người và liên kết chúng ta lại với nhau, nhờ đó chúng ta được “nên một” (Ga 17,21) như Người ao ước”.
Nguồn: Libreria Editrice Vaticana
(bản tiếng Anh và tiếng Pháp)
Thành Thi chuyển ngữ