TÍNH TOÁN LÀM GIÀU ... bài tính chỉ đúng khi nó giúp ta nên giàu có trước mặt Thiên Chúa và đạt tới đời sống vĩnh cửu trong Ngài.

TÍNH TOÁN LÀM GIÀU ... bài tính chỉ đúng khi nó giúp ta nên giàu có trước mặt Thiên Chúa và đạt tới đời sống vĩnh cửu trong Ngài.

TÍNH TOÁN LÀM GIÀU ... bài tính chỉ đúng khi nó giúp ta nên giàu có trước mặt Thiên Chúa và đạt tới đời sống vĩnh cửu trong Ngài.

Người ta nói: người giàu hơn người nghèo ở chỗ họ biết tính toán. Thật ra, một số ít người giàu do vận may, của có sẵn, nhưng phần nhiều có của nhờ bàn tay và khối óc, những nỗ lực vượt lên số phận, kinh qua những thất bại, trù dập…

Người giàu, mỗi người, lại có cách tính toán riêng qua đó phản ảnh cái nhìn của mình về cuộc đời và trả lời cho các câu hỏi: Tôi là ai? Tôi sống để làm gì? Một người cha nói: “Hi sinh đời bố củng cố đời con” [1] trong khi đó một tỉ phú cho rằng: "Nếu các con tôi tài giỏi hơn tôi, chúng sẽ không cần tới số tiền này. Còn nếu chúng không đủ năng lực, gia sản của tôi sẽ chỉ làm hại chúng". Xem ra với người này, của cải chỉ là công cụ, trong khi với người kia, nó là mục đích của đời sống. Một đại gia viết di chúc để lại tài sản kếch xù cho đứa con mới sinh chưa biết bập bẹ, trong khi nhân dịp lên chức bố mẹ, Mark Zuckerberg, chủ nhân mạng Facebook, nay mới 31 tuổi, viết thư cho con gái, hiến 99% tài sản của mình (45 tỉ đô la) để làm từ thiện, với lí do: “Bố mẹ tin rằng tất cả mạng sống trên thế gian này đều có giá trị như nhau. Đầu tư từ bây giờ để cải thiện cuộc sống tương lai là nghĩa vụ của xã hội loài người.”Lớn tuổi hơn vị tỷ phú trẻ tuổi này có vợ chồng Bill Gate nhiều năm qua đã lập Quỹ Bill & Melinda Gates để chăm lo giáo dục, sức khỏe dân nghèo. Warren Buffett góp thêm vào để quỹ hiện có 43 tỉ đô la. Những tỉ phú này cũng như nhiều đại gia khác, họ hiện thực giấc mộng phú quí của mình nhưng làm giàu đối với họ còn có nghĩa giàu lòng nhân ái. 

Vị phú hộ trong dụ ngôn Tin Mừng hôm nay không nghĩ tới nghĩa cử nào cả. Ông lo việc xây kho lẫm chứa nông sản để có thể an hưởng lâu dài. Ông không lo cho con người cho bằng lo cho của cải. Người mà ông chăm lo không ai khác là chính bản thân ông. Nhưng của đời tạm bợ. Sách Giảng viên nói một điều chí lý: “Có người đã đem hết khôn ngoan và hiểu biết mà làm việc vất vả mới thành công, rồi lại phải trao sự nghiệp của mình cho một người đã không vất vả gì hết.” (Gv2, 21). Và cả bản thân ông cũng tạm bợ vì thần chết đâu có né tránh cửa nhà đại gia!

Trong Cựu Ước, giàu có có thể là dấu chỉ lòng quảng đại của Thiên Chúa dành cho những tuyển nhân như Abraham (Stk 13, 2), Giacob (Stk 30, 43). Nhưng Lời Chúa trong Tân Ước hướng lòng trí chúng ta về một sự giàu sang khác. Khi có người đến nhờ Chúa Giêsu can thiệp để có của thừa kế: “Thưa Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia phần gia tài cho tôi.” Ngài từ chối và đưa ra lời cảnh báo về ảo tưởng được bảo đảm nhờ thặng dư của cải: “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì của cải dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu.” (Lc 12, 15).

Thánh Phaolô nói về cách Chúa Giêsu ‘làm giàu’ cho ta: “Ngài giàu sang, nhưng đã trở nên nghèo vì anh chị em, để anh chị em trở nên giàu sang nhờ cái nghèo của Ngài” (2Cr 8, 9). Sự giàu sang được Ngài nói đến ở đây là sự giàu sang về những của cải ở bình diện khác với của cải trần gian. Trong Chúa Kitô phục sinh, tín hữu thủ đắc một một đời sống mới với những của cải mới, vững bền, quí giá hơn: những ân huệ thiêng liêng. Nơi Ngài có “cất giấu mọi kho tàng của sự khôn ngoan và hiểu biết”(Cl 2, 3). Một khi nhờ bí tích Rửa tội, tín hữu đã sống lại cùng Chúa Kitô,họ “hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới.” (Cl 3, 2). Khi đó, người ta sẽ theo lời Chúa dạy “tích trữ cho mình những kho tàng ở trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát, và kẻ trộm không khoét vách lấy đi” (Mt 6, 20). Kho tàng trên trời này không phải là công trạng phúc đức ta lập nên nhưng chính là Đức Giêsu Kitô, Ngài là sự thật, sự sống cho ta. Ngài là tất cả ở trong mọi người (Cl 3, 11).

Cho hay làm giàu của cải vật chất hay thiêng liêng đều phải tính toán. Đối với chúng ta, bài tính chỉ đúng khi nó giúp ta nên giàu có trước mặt Thiên Chúa và đạt tới đời sống vĩnh cửu trong Ngài.

                                                                                                          Linh mục Marcello ĐOÀN MINH

                                                                                                                                             31.7.2016

 

[1] Dân gian thường hiểu ngầm ý nghĩa câu này là: người cha làm giàu bất chính, sẵn sàng chịu tù tội miễn sao có tiền để lại cho con cái.