THỰC HÀNH LÒNG THƯƠNG XÓT QUA LỜI DẠY TRONG KINH THƯƠNG NGƯỜI CÓ MƯỜI BỐN MỐI - (2) CHO KẺ KHÁT UỐNG

THỰC HÀNH LÒNG THƯƠNG XÓT QUA LỜI DẠY TRONG KINH THƯƠNG NGƯỜI CÓ MƯỜI BỐN MỐI - (2) CHO KẺ KHÁT UỐNG

THỰC HÀNH LÒNG THƯƠNG XÓT QUA LỜI DẠY TRONG KINH THƯƠNG NGƯỜI CÓ MƯỜI BỐN MỐI - (2) CHO KẺ KHÁT UỐNG

Nghĩa cử thương xót tha nhân “cho kẻ khát uống” mà Hội Thánh đề cập trong kinh Thương người có mười bốn mối” được Chúa Giê-su nêu lên như một đòi buộc diễn tả tình yêu đối với Ngài: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa.35 Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống (Mt 25,34-35).

Trước hết, thức uống được nói đến trong lệnh truyền “cho kẻ khát uống” và lời chúc phúc vì xưa “Ta khát, các ngươi đã cho uống” là nước uống thường ngày, là thức uống vật chất giải cơn khát thể xác. Chúa Giê-su không chỉ đồng hóa bản thân Ngài với những ai đang khát bỏng khi nói “Ta khát, các ngươi đã cho uống”, chính bản thân Ngài cũng đã trải nghiệm cơn khát dữ dội nơi thân xác của Ngài khi bị treo trên thánh giá và cần đến những tấm lòng nhân ái của bao người chung quanh. Tin Mừng Gioan ghi lại rằng: “Sau đó, Đức Giê-su biết là mọi sự đã hoàn tất. Và để ứng nghiệm lời Kinh Thánh, Người nói: "Tôi khát!" (Ga 19,28). Nhưng, thay vì cho Ngài nước uống để giải cơn khát cháy bỏng trong cổ họng, những người đứng chung quanh đã cho Ngài nếm giấm chua. Đúng như lời thánh vịnh 69,21 đã nói: “Thay vì đồ ăn, chúng trao mật đắng/ con khát nước, lại cho uống giấm chua.” 

Trong Cựu ước, nước uống còn mang biểu tượng khác đó là ân huệ của Thiên Chúa ban cho dân Chúa. Thánh Kinh cho biết, nước từ tảng đá chảy ra để cho dân Chúa được giải khát là ân huệ Chúa ban cho dân Ngài tuyển chọn khi họ lưu hành trong sa mạc. Sách Xuất Hành ghi lại như sau: “Toàn thể cộng đồng con cái Ít-ra-en nhổ trại rời sa mạc Xin, đi từ chặng này đến chặng khác, theo lệnh của ĐỨC CHÚA. Họ đã đóng trại ở Rơ-phi-đim, nhưng tại đấy không có nước cho dân uống.2 Dân gây sự với ông Mô-sê. Họ nói: "Cho chúng tôi nước uống đi! " Ông Mô-sê nói: "Tại sao anh em lại gây sự với tôi? Tại sao lại thử thách ĐỨC CHÚA? "3 Ở đó, dân khát nước nên đã kêu trách ông Mô-sê rằng: "Ông đưa chúng tôi ra khỏi Ai-cập để làm gì? Có phải là để cho (chúng) tôi, con cái (chúng) tôi, và súc vật của (chúng) tôi bị chết khát hay không? "4 Ông Mô-sê kêu lên cùng ĐỨC CHÚA: "Con phải làm gì cho dân này bây giờ? Chỉ một chút nữa là họ ném đá con! "5 ĐỨC CHÚA phán với ông Mô-sê: "Ngươi hãy đi lên phía trước dân, đem theo một số kỳ mục Ít-ra-en; cầm lấy cây gậy ngươi đã dùng để đập xuống sông Nin, và đi đi.6 Còn Ta, Ta sẽ đứng ở đằng kia trước mặt ngươi, trên tảng đá ở núi Khô-rếp. Ngươi sẽ đập vào tảng đá. Từ tảng đá, nước sẽ chảy ra cho dân uống." Ông Mô-sê đã làm như vậy trước mắt các kỳ mục Ít-ra-en.7 Ông đặt tên cho nơi ấy là Ma-xa và Mơ-ri-va, nghĩa là thử thách và gây sự, vì con cái Ít-ra-en đã gây sự và thử thách ĐỨC CHÚA mà rằng: "Có ĐỨC CHÚA ở giữa chúng ta hay không? " (Xh 17,1-7).

Cựu ước còn muốn nói, nước là biểu tượng của chính Thiên Chúa. Tác giả thánh vịnh 42 viết rằng: “Như nai rừng mong mỏi tìm về suối nước trong, hồn con cũng trông mong được gần Ngài, lạy Chúa. Linh hồn con khao khát Chúa Trời, là Chúa Trời hằng sống” (Tv 42,2-3). Tác giả thánh vịnh 63 cũng viết lời tương tự: “Linh hồn con đã khát khao Ngài, tấm thân này mòn mỏi đợi trông, như mảnh đất hoang khô cằn, không giọt nước” (Tv 63,2). Thêm nữa, trong sách tiên tri Giê-rê-mi-a, Thiên Chúa ví Ngài là mạch nước trường sinh: “Chúng đã bỏ Ta là mạch nước trường sinh, để làm những hồ nứt cạn, không giữ được nước” (Gr 2,13; x. Is 12,2-3; Gr 17,13).

Trong Tân Ước, nước uống trước hết cũng là nước uống thường ngày nuôi sống thể xác. Thư thứ nhất gởi tín hữu Corintho cho biết, các tông đồ ra đi rao giảng và đã phải trải qua những cơn đói khát, trần truồng. “Cho đến giờ này, chúng tôi vẫn chịu đói khát, trần truồng, bị hành hạ và lang thang phiêu bạt” (1Cr 4,11; x. 2Cr 11,27). Vì thế, đối với Chúa Giê-su, những ai mở rộng lòng thương xót giúp đỡ cho các tông đồ và những người đi theo Ngài dù chỉ một chén nước lã, Ngài không bao giờ quên họ và sẽ ban phần thưởng cho những người có nghĩa cử “cho kẻ khát uống”: “Và ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ một chén nước lã thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu" (Mt 10,42).

Đặc biệt, nước còn được dùng để nói đến bí tích Rửa Tội. Thư thứ nhất của thánh Phê-rô cho biết, như nước dùng để rửa sạch, thì “Nước đó là hình bóng phép rửa nay cứu thoát anh em. Lãnh nhận phép rửa, không phải là được tẩy sạch vết nhơ thể xác, mà là cam kết với Thiên Chúa sẽ giữ lương tâm trong trắng, nhờ sự phục sinh của Đức Giê-su Ki-tô (1P 3,21). Nước trong bí tích Rửa Tội mà chúng ta lãnh nhận là nước đã rửa sạch chúng ta, giải cứu chúng ta và đã tái sinh, đổi mới chúng ta (Tt 3,5; x. Ga 3,5). Giáo Hội còn xem nước trong bí tích Rửa Tội là biểu tượng nước chảy ra từ cạnh sườn của Chúa Giê-su trên thánh giá (Ga 19,34) và theo giải thích của nhiều giáo phụ và các nhà thần học, đặc biệt thánh Augustino và thánh Toma Aquino, Giáo Hội được sinh ra từ cạnh sườn Chúa. Đó cũng là sự khẳng định của Công Đồng Vatican II khi nói “Cội nguồn và sự tăng triển của Giáo Hội được biểu thị bằng máu và nước chảy ra từ cạnh sườn rộng mở của Chúa Giê-su chịu đóng đinh” (GH số 3).

Gần đây hơn cả, đề tài “nước” và “khát” được đề cập đến trong sứ điệp của Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới về Tân Phúc Âm hóa năm 2012 gởi dân Chúa. Trong đó, Thượng Hội Đồng diễn tả trong thời điểm hiện nay, lời nài xin nước hằng sống để giải cơn khát tâm hồn của người phụ nữ Samaria vẫn đang vang vọng lên giữa xã hội của chúng ta. Sứ điệp có lời như sau:

“Chúng tôi để cho một trang Tin Mừng soi sáng chúng tôi: cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với người phụ nữ Samaritanô bên giếng nước Gia-cóp (x. Ga 4, 5-42). Không có người nam hay người nữ nào mà, vào một thời điểm nào đó trong đời mình, không ở gần bên một giếng nước với một cái vò rỗng và niềm hy vọng tìm được sự thể hiện khát vọng  sâu xa nhất của tâm hồn, niềm hy vọng duy nhất có thể mang lại ý nghĩa trọn vẹn cho cuộc sống. Ngày nay, có nhiều giếng nước được đề tặng cho cơn khát của con người, nhưng một sự phân định là cần thiết để tránh những thứ nước ô nhiễm. Điều cấp bách là định hướng tốt việc tìm kiếm để không trở thành con mồi của những nỗi tuyệt vọng hủy hoại.

Như Chúa Giêsu bên bờ giếng Sychar, Giáo Hội cũng cảm thấy bổn phận ngồi bên cạnh con người thời nay, để làm cho Chúa hiện diện trong cuộc sống của họ, để họ có thể gặp gỡ Ngài, vì chỉ mình Ngài là dòng nước mang lại sự sống đích thực và vĩnh hằng. Chỉ Chúa Giêsu mới có khả năng đọc được ở tận sâu thẳm của tâm hồn con người và chỉ cho chúng ta thấy sự thật của chúng ta. Người phụ nữ Samaritanô đã thổ lộ với các đồng hương của mình: “Ông ấy đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm”. Lời loan báo này, mà kèm theo đó là câu hỏi mở ra cho đức tin: “Ông ấy không phải là Đấng Kitô sao?”, cho thấy làm thế nào người đã lãnh nhận sự sống mới trong cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu không thể không trở thành người mang chân lý và hy vọng cho những người khác. Người phụ nữ tội lỗi hoán cải đã trở thành sứ giả của ơn cứu độ và đã dẫn cả làng mình đến với Chúa Giêsu. Từ sự đón nhận chứng tá này, người dân sẽ chuyển sang kinh nghiệm cá nhân về cuộc gặp gỡ: “Không còn phải vì lời chị kể mà bây giờ chúng tôi tin; chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Người thật là Đấng cứu độ trần gian” (số 1).

Không chỉ nhận thấy việc khao khát nước như là khao khát Chúa và những lời Ngài dạy, ĐTC Phanxico còn nói đến nước uống tinh khiết cho thể xác vẫn là nhu cầu thiết yếu cho con người để sống đúng phẩm giá. Trong thông điệp Ca Ngợi Chúa Đi (Laudato Si), ĐTC viết: “Trong khi phẩm chất nước được sử dụng ngày càng thêm dơ bẩn, nhiều nơi có xu hướng tư hữu hóa nguồn nước có hạn này; đến độ nước trở thành nguồn hàng hóa và phải chịu luật thị trường. Trong thực tế, tiếp cận nước uống được bảo đảm là quyền nền tảng và phổ quát của con người, vì nó giúp cho con người được tồn tại và đó là điều tất yếu cho việc thực hiện quyền con người. Thế giới này mang một tội lớn lao đối với người nghèo vì không cho họ tiếp cận nguồn nước uống, điều này có nghĩa là họ bị cướp đi quyền sống, đó là quyền nền tảng cho phẩm giá bất biến của họ” (số 30).

Như vậy, mệnh lệnh “cho kẻ khát uống” được hiểu là đòi hỏi của Chúa dành cho chúng ta: phải cho tha nhân nước uống tinh khiết để họ được giải cơn khát khô bỏng của họ và để họ sống đúng phẩm giá làm người; thứ đến, phải mang Chúa Giê-su đến cho tha nhân, vì Ngài là nước hằng sống, nhờ đó họ được ơn cứu độ. Cả hai, nước uống nuôi sống thể xác và nước hằng sống đều là ân huệ Thiên Chúa ban cho dân Ngài và toàn thể nhân loại.