SỨ GIẢ TÌNH YÊU VÀ CHỨNG NHÂN CỦA TIN MỪNG
Sứ vụ kép: Thực thi bác ái và rao giảng Tin Mừng
Bài Phúc Âm thánh lễ Chúa nhật III/C hôm nay, thánh Luca kể lại việc Chúa Giêsu vào hội đường đọc sách và giải thích. Đoạn ngài đọc hôm đó trích trong sách tiên tri Isaia: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Ngài xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, thuyên chữa những tâm hồn sám hối, loan truyền sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm, cho người mù được trông thấy, trả tự do cho những kẻ bị áp bức, công bố năm hồng ân và ngày khen thưởng”.
Chúa Giêsu tuyên bố những lời này nói về sứ vụ của Ngài. Ngài đến để làm cho những lời tiên tri đó được ứng nghiệm nơi Ngài. Để hiểu được ý nghĩa phép rửa Ngài chịu tại sông Giođan lúc bắt đầu sứ vụ công khai, ta phải tham chiếu cả cuộc đời của Chúa Giê-su. Ở đây cũng thế, cần phải xem xét cả cuộc đời tại thế của Chúa, ta mới hiểu chính xác những lời tiên tri về sứ vụ của Chúa Giê-su ở đây. Trước hết ta nhận thấy, Chúa Giêsu gần gũi tiếp xúc với kẻ khốn cùng thấp hèn. Ngài chữa lành bệnh tật, cho kẻ mù được thấy, kẻ què đi được, biến nước thành rượu, hóa bánh ra nhiều cho người đói ăn. Chúa đem đến cho người nghèo, kẻ bệnh tật sự giúp đỡ phần xác nói lên tình yêu thương đầy quan tâm của Chúa, nhưng Chúa Giêsu không đồng hóa việc mình làm với công việc của một bác sĩ, một quan chức nhà nước, một nhân viên xã hội. Trong cái nhìn của Chúa, con người đang bị kiềm tỏa dưới ách thống trị của Satan và tội lỗi, làm cho họ mất tự do, mù lòa vì không nhận biết Thiên Chúa và ý muốn cứu độ của Thiên Chúa. Chúa Giêsu tự nguyện hiến tế trên thập giá để tha tội cho nhân loại, cho họ được giao hòa cùng Thiên Chúa, được làm con cái của Ngài. Họ được tiếp nhận đời sống mới và được tự do, bảo đảm đời sống vĩnh cửu trong Thiên Chúa. Sứ vụ của Giêsu là mang đến cứu thoát thiêng liêng và nội tâm. Chúa Giê-su và chỉ một mình Ngài trao ban cái họ đang cần đến: sự giải thoát khỏi tội lỗi và phẩm giá của người con Thiên Chúa. Đây quả là Tin Mừng về tình yêu nhưng không Thiên Chúa dành cho con người tội lỗi, tình yêu đó kêu mời con người thay đổi cách sống, để làm con người mới với tự do và niềm hạnh phúc vĩnh cửu.
Hội thánh tiếp nối sứ vụ Chúa Kitô, yêu thương người nghèo người bị bỏ rơi như Chúa Kitô, để cho kẻ đói ăn cho người khát uống; đồng thời Giáo Hội ý thức mình đã lãnh nhận phải trao Chúa Giêsu, món quà sự sống cho họ. Chính vì thế, trong Giáo Hội sứ vụ bác ái luôn đi kèm với việc rao giảng Tin Mừng và hai tác vụ này thuộc về bản chất giáo hội, tương tác và phụ thuộc lẫn nhau.
Thất bại của Giáo Hội
Trong cuốn sách mới xuất bản gần đây: “God or Nothing” ghi lại những cuộc nói chuyện giữa Đức Hồng Y Robert Sarah và ký giả người Pháp Nicolas Diat, khi ký giả hỏi Đức Hồng Y: “Đâu là những thất bại của Giáo Hội?” Đức Hồng Y không liệt kê, không thanh minh những gì người ta coi là ‘thất bại’ của Giáo Hội. Ngài lưu ý rằng: nếu chúng ta chỉ chú trọng phương diện hữu hình của Giáo Hội, để rồi coi Giáo Hội như một tổ chức trần thế, mà không xét chiều kích thiêng liêng vô hình của Giáo Hội là Thân Thể Mầu Nhiệm của Chúa Kitô, ta sẽ mắc phải sai lầm nghiêm trọng là nhấn mạnh đến khía cạnh xã hội, kinh tế, hay tệ hơn, chính trị làm phương hại tới việc phúc âm hóa. Ngài nhắc lại những lời đầu tiên Đức Giáo hoàng Phanxicô nói ở nguyện đường Sixtine, một vài giờ sau khi được bầu làm đấng kế vị thánh Phê-rô: “Chúng ta có thể đi tùy thích, chúng ta có thể xây dựng nhiều sự, nhưng nếu chúng ta không tuyên xưng Đức Kitô, các việc đi sai hết. Chúng ta có thể trở thành một tổ chức từ thiện phi chính phủ (NGO), nhưng không phải là Giáo Hội, Hiền thê của Chúa…. Khi Đức Kitô không được loan báo, thì những chuyện đó không còn dính dáng gì đến Giáo Hội. Bởi vì Giáo Hội thánh thiện, tông truyền và truyền giáo.[1] Như vậy Đức Hồng y muốn ta hiểu rằng Giáo Hội thất bại khi không còn rao giảng Tin Mừng nữa.
Thành tựu đẹp đẽ nhất của Giáo Hội
Ký giả Nicolas Diat cũng hỏi Đức Hồng Y Robert Sarah: “Thành tựu tốt đẹp nhất của Giáo Hội là gì?”Giáo hội Công giáo không thiếu những thánh đường nguy nga, những bản thánh ca bất hủ và biết bao nhiêu tác phẩm điêu khắc, hội họa của các bậc thầy, thế nhưng để trả lời, Đức Hồng Y không nói chi tới những tuyệt tác đó mà nói: thành tựu đẹp nhất là hoạt động bác ái của Giáo Hội cho người nghèo và cho người túng thiếu. Ngài kể ra mạng lưới Caritas với 165 chi nhánh trên thế giới, biết bao nhiêu các vị thánh, linh mục tu sĩ, giáo dân dấn thân chiến đấu giảm thiểu cái nghèo vật chất cũng như tinh thần. Tuy nhiên để người ta đừng đồng hóa việc bác ái của Giáo Hội với các chương trình xóa đói giảm nghèo hay các công tác xã hội, ngài nói rằng: “Đối với người Kitô hữu, điểm cốt yếu không phải chỉ là sự giúp đỡ vật chất thường thấy trong xã hội, nhưng là cuộc chiến chống lại sự nghèo đói thiêng liêng, tinh thần… Giáo Hội sẽ không bao giờ bỏ cuộc trong cuộc chiến chống lại sự nghèo đói thiêng liêng này….Hành vi đẹp nhất trên trái đất này chính là hoàn lại cho con người phẩm giá là con Thiên Chúa và khả năng mở ra cho ánh sáng vĩnh cửu. [2]
Kết: Hội viên Cartias thi hành sứ vụ bác ái như Chúa Giê-su
Thiên Chúa yêu thương và dạy cho ta biết yêu thương nơi Đức Giêsu Kitô, hiện thân của Tình Yêu Thiên Chúa. Nhờ vậy tình yêu Thiên Chúa không phải là một suy tưởng trừu tượng, nhưng hữu hình xác thực mà ta sờ thấy, chạm đến. Đức Giêsu không chỉ là mô hình nhưng hơn thế nữa, Người cho ta sống trong tình yêu đó. Hội viên Cartias đóng góp cho thành tựu đẹp đẽ nhất của Giáo Hội khi họ thực thi sứ vụ bác ái với niềm thao thức muốn cho mọi người nhận ra tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Giêsu Kitô, để được như vậy họ phải là sứ giả tình yêu và chứng nhân cho Tin Mừng.
Linh mục Marcello ĐOÀN MINH, 24.01.2016
(Hình ảnh: website giáo phận Đà Nẵng)
[1]Robert Cardinal Sarah, God or Nothing, A Conversation on Faith with Nicolas Diat (San Francisco: Ignatius Press, 2015), 256-258. Đức Hồng Y người Guinea, (Tây Phi), hiện là Bộ trưởng thánh bộ Phượng tự và Kỷ luật Bí tích. Nicolas Diat là ký giả người Pháp. Trước Thượng Hội Đồng Giám mục Thế giới lần thứ XIV vào tháng 10/2015, ngài là một trong số các giám mục và Hồng Y từ Phi Châu góp chung tiếng nói bảo vệ tính đơn nhất và bất khả phân ly của hôn nhân Công giáo.
[2]Robert Cardinal Sarah, God or Nothing, A Conversation on Faith with Nicolas Diat (San Francisco: Ignatius Press, 2015), 256-258.