Ra khỏi miền u tối
Những kẻ ngồi trong bóng tối
Trong cuốn tiểu thuyết viết từ năm 1932, Aldous Huxley, nhà văn người Anh tiên báo: “Sự giả mạo sẽ là một yếu tố quyết định của thời đại Tân Tiến. Thời đại này rốt cuộc chẳng xem gì là quan trọng nữa, vì nó sống trong một thực tại giả với chân lý giả. Nói cách khác, nó chẳng còn chân lý và điểm tựa nào nữa.”[1] Thiết tưởng không phải đợi đến lúc sự dối trá lan tràn và được bình thường hóa khắp nơi, trong thế giới ảo cũng như thế giới thực, mà ngay sau khi Chúa dựng nên con người, ma quỷ đã tìm cách đưa sự dối trá vào trong đời sống cá nhân, gia đình và xã hội con người. Ngay từ đầu, Satan tên ‘lường gạt và sư tổ sự dối trá’ (Ga 8, 44) đã đeo bám con người và tìm mọi cách quyến rũ. Tổ tông đã nghe lời dụ dỗ của ma quỉ ‘ăn trái cấm’ để “nên như những vị thần biết điều thiện điều ác” (St 3, 5), hóa ra đó là chiêu lừa thâm độc cực kỳ làm cho khả năng nhận biết chân lý nơi con người bị xói mòn và ý chí tuân phục chân lý suy yếu. Con người chạy theo những tà thần hư ảo, bị hấp dẫn bởi những cái nhất thời bỏ quên những sự đời đời. Chính thánh Phaolô thú nhận nơi bản thân mình đã xảy ra tình trạng ‘trật tay lái’: “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn tôi lại làm” (Rm 7, 19).
Tiến về ánh sáng
Tuy nhiên Thiên Chúa vẫn để trong lòng người khát vọng tìm về chân lý, họ luôn trăn trở tìm hiểu về Thiên Chúa, về ý nghĩa cuộc đời: “Ai sẽ cho ta thấy hạnh phúc? Lạy Chúa xin tỏa ánh tôn nhan ngài trên chúng tôi” (Tv 4, 7). Thiên Chúa có một chương trình mạc khải tiệm tiến. Ngài đã dùng những trung gian và cuối cùng, đích thân Con của Thiên Chúa tìm đến với con người để tỏ mình ra cho họ. Thư Do thái mở đầu như sau: “Thuở xưa nhiều lần nhiều cách Thiên Chúa phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng trong những ngày sau hết này, Ngài đã nói với ta qua Thánh Tử”. (Hr 1, 1-2) Ngài chính là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, Ngôi Lời của Thiên Chúa ‘đầy tràn ân sủng và sự thật’ (Ga 1, 14), là ‘ánh sáng muôn dân’ (Lc 2, 32). Nhờ Ngài con người tìm được ý nghĩa đời sống của mình, như Hiến Chế Mục vụ của Công đồng Vatican II viết: “Mầu nhiệm con người chỉ thực sự được soi sáng trong mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể”[2].
Phúc Âm ngày lễ Hiển Linh kể lại câu chuyện những nhà đạo sĩ được các sao lạ dẫn đường đến Bê-lem thờ lạy Chúa Hài Nhi. Đó là khởi điểm. Qua các thời đại, Thiên Chúa đã và đang dùng những biến cố, con đường khác nhau, như những ánh sao lạ để dẫn dắt con người đến với Chúa Giê-su đón nhận chân lý cứu rỗi. Nhưng nếu ngày xưa, trong lúc các nhà đạo sĩ từ phương đông xa xôi tìm đến thờ lạy Hài Nhi, các kinh sư Do Thái thông thạo Kinh Thánh lại không biết, thì ngày nay cũng còn cảnh tượng Chúa “đã đến trong nhà của mình, mà người không tiếp nhận”. Rất có thể đã nhiều phen nhiều cách, sao lạ sáng lên trong đời, nhưng ta không hay biết bởi quá lo toan sự đời…
Sống trong ánh sáng
Sách truyện về đạo Phật kể rằng: Vào thời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni xuất hiện tại Ấn Độ, các đạo sĩ thường bàn luận về câu hỏi: Thế nào là một vị Phật? Ai là người giác ngộ? Một hôm, có một vị đạo sĩ già, tên Brahmayu, nghe tin có Ngài ẩn sĩ Cồ Đàm là một vị Phật, vừa du hành đến thị trấn của ông ta, nên ông quyết định đến thăm Ngài. Vị đạo sĩ Brahmayu nói: "Kính thưa Ngài Cồ Đàm, tôi có vài thắc mắc muốn hỏi Ngài". Đức Phật mời ông nêu ra những thắc mắc trong lòng. Vị đạo sĩ nêu ra các câu hỏi qua một bài kệ bốn câu, đại ý chính là: Làm thế nào để được gọi là Phật, một Bậc Giác ngộ? Đức Phật trả lời qua bốn câu kệ như sau:
"Những gì cần biết rõ, Ta đã biết rõ.
Những gì cần từ bỏ, Ta đã từ bỏ.
Những gì cần tu tập. Ta đã tu tập.
Do vậy, này Vị đạo sĩ, Ta là Phật ".
Quả thật, có biết bao nhiêu điều con người cần biết, những điều cần từ bỏ, hay phải tu tập để có thể nên người. Trong lịch sử nhân loại, không ít những bậc hiền sĩ như vị Phật trên đây đã tìm ra những lý lẽ cao siêu huyền nhiệm cho mình và lập đạo để quảng bá cho chúng sinh. Riêng đối với Kitô hữu, những điều cần biết, cần từ bỏ, cần tu tập, tức là những chân lý làm cho con người được cứu rỗi, thì Thiên Chúa đã cho con người biết. Tuy nhiên chúng ta lại phải có trách nhiệm với chân lý mình lãnh nhận. Đức Giáo hoàng Bê-nê-đi-tô XVI đã nói: “Ta phải có sự dũng cảm mà nói rằng: Đúng con người phải nhìn lên sự thật. Con người có khả năng đạt tới sự thật…Nếu chúng ta tiếp nhận sự thật, sự thật sẽ chỉ cho chúng ta đâu là những giá trị bất biến đã giúp nhân loại tiến lên. Ta cần phải học lại và tỏ ra khiêm tốn để công nhận sự thật và chấp nhận nó như là chuẩn mực của cuộc sống”[3].
“Khôn sống, mống chết”. Tạ ơn Thiên Chúa đã không muốn chúng ta chết trong sự tăm tối, nhưng đã đến để dẫn đưa ta “ra khỏi miền u tối tăm vào nơi đầy ánh sáng huyền diệu” (1 Pr 2, 9). Xin cho chúng ta tiếp nhận và để cho ánh sáng đó dẫn đường đưa lối cho ta bước đi trong đời.
Lm. Marcello ĐOÀN MINH
02.01.2016
[1] Đức Giáo hoàng Bê-nê-đi-tô XVI, Ánh Sáng Thế Gian (Hà Nội: NXB Tôn giáo, 2011), 72. Cuốn sách này ghi lại những trao đổi giữa Đức Giáo hoàng Bê-nê-đi-tô XVI và Peter Seewald.