“Quả thật, tôi biết rõ Thiên Chúa không thiên vị người nào.” (Cv 10, 34)

“Quả thật, tôi biết rõ Thiên Chúa không thiên vị người nào.” (Cv 10, 34)

“Quả thật, tôi biết rõ Thiên Chúa không thiên vị người nào.” (Cv 10, 34)

Khi mới bắt đầu rao giảng Tin Mừng, các tông đồ đã họp lại để thảo luận vấn đề này: Khi người chư dân  gia nhập Giáo Hội, họ có phải giữ luật lệ của người Do Thái không? Dựa vào ơn đức tin, các ơn Thánh Thần và những việc lạ lùng Thiên Chúa làm trong cộng đoàn tín hữu, các vị đã đi tới kết luận: họ không cần phải tuân giữ những luật lệ của người Do Thái. Tại nhà ông Co-nê-li-ô, thánh Phêrô tuyên bố: “Quả thật, tôi biết rõ Thiên Chúa không thiên vị người nào. Nhưng hễ ai kính sợ Thiên Chúa và ăn ngay ở lành, thì dù thuộc bất cứ dân tộc nào, cũng đều được Người tiếp nhận.”(Tđcv 10, 34-35). Lời này xác nhận tính cách phổ quát của ơn cứu độ trong Chúa Kitô, cả người Do Thái lẫn chư dân,thuộc bất cứ dân tộc nào, cũng được mời gọi đồng bàn trong bữa tiệc Nước Thiên Chúa, không ai bị loại trừ. 

Ngày nay tuy không còn vấn đề giữ luật Do Thái như ngày xưa, nhưng Tin Mừng không-ai-bị-loại-trừ cần được rao giảng. Một người sinh ra ở đời, dù người đó là gì đi nữa, anh ta/chị ta đều mang trong mình hình ảnh của Thiên Chúa và là đối tượng của lòng thương xót Chúa. Thiên Chúa đối xử công bằng với mọi người. Con Thiên Chúa đổ máu mình ra cứu chuộc họ và trao ban Thánh Thần để họ được làm con Thiên Chúa, nhưng con người chúng ta không theo cách sống của Chúa. Trong xã hội luôn tiềm ẩn những vách ngăn kỳ thị, những phân tầng giai cấp, giới lớp, công khai hay tinh tế, làm cho nhiều người đã và đang là nạn nhân của ứng xử bất công. Phổ biến nhất qua mọi thời là tình trạng phân biệt đối xử với người khuyết tật. Hiện nay trên thế giới có trên 500 triệu người khuyết tật. Cho dù đã có biết bao nhiêu nỗ lực hàn gắn từ cá nhân, tổ chức nhưng hố ngăn cách giữa những người dễ bị tổn thương này với cộng đồng còn lâu mới được san lấp.

Một điểm nhấn trong việc mục vụ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô là mối ưu ái của ngài dành cho người khuyết tật. Trong lễ nhậm chức Giáo Hoàng, ngài dừng lại ôm hôn một người đàn ông khuyết tật. Sau lễ Phục Sinh 2013 ngài ôm hôn cậu bé Dominic Gondeau, 8 tuổi, người Mỹ, mắc chứng liệt não. Truyền thông thế giới liên tiếp chuyển tải tin bài, hình ảnh những lần Đức Giáo Hoàng gặp gỡ, rửa chân người khuyết tật, và đón nhận từ nơi họ những cử chỉ “hơi quá đáng” như ôm hôn, vuốt má, rờ đầu. Giáo Hội Philippines với 80 triệu tín hữu, thiếu gì người sáng mắt, nhưng trong một thánh lễ Đức Giáo Hoàng cử hành tại đất nước họ, một người khiếm thị được chọn để đọc sách thánh. Sứ điệp gửi đi ở đây là sự đồng thanh với vị Cha Chung giáo hội hoàn cầu để loan đi khắp bốn phương Tin Mừng Thiên Chúa không thiên vị, Thiên Chúa không loại trừ. 

Để ứng xử công bằng với người khuyết tật, trước tiên phải trả lại phẩm giá Chúa ban cho họ, phải thay đổi cách ta nhìn họ. Ðức Hồng y Etchegaray nhận xét: “Lòng thương xót người khuyết tật có thể biến dạng thành như một sự khước từ, như một sự hạ giá họ xuống thành như người cần được giúp đỡ, dường như thể họ chờ đợi tất cả nơi chúng ta mà thôi, và chúng ta không có gì phải nhờ đến hay chờ đợi nơi họ nữa cả”.

Hằng ngày có biết bao nhiêu bài học đáng giá về giá trị con người, về tình yêu, về cuộc sống hạnh phúc,… ta học được từ nơi những người đang vác thập giá tật nguyền bước theo chân Chúa. Một chị đứng tuổi suốt ngày ngồi bên khung thêu, tất cả sức nặng của cuộc sống gia đình đè trên sợi chỉ và cây kim mà chị chỉ có thể cầm được và đi vào các họa tiết chỉ bằng một tay, còn tay kia cuộc đời đã cướp đi một nửa. Trong bức tranh chị thêu, cái làm nên vẻ đẹp và giá trị không chỉ là họa tiết khéo léo hay màu sắc chuẩn mực, nhưng còn là ý chí phấn đấu của một con người trước cuộc sống cam go, chỉ với một cây kim, một sợi chỉ và một cánh tay rưỡi đang từng ngày dệt nên bức tranh đời mình. Người phụ nữ này chấp nhận trả giá cho những oan khiên, và phiền lụy mà cuộc sống đặt ra cho mình, thì chính chị không trở thành một sứ điệp có âm hưởng sâu xa trong ta sao?. Paul Gondeau, cha của cậu bé Dominic Gondeau nói trên chia sẻ cảm nghĩ của mình khi thấy Đức Giáo hoàng ôm hôn con mình: “Không ai chia sẻ Thập Giá một cách nồng nàn hơn người khuyết tật. Và vì thế, người khuyết tật trở thành kiểu mẫu và gây hứng của ta. Đúng là tôi đã cho con trai Dominic của tôi thật nhiều. Nhưng con tôi cho tôi nhiều hơn thế, nhiều hơn nhiều. Tôi giúp con tôi đứng dậy và bước đi, nhưng con tôi chỉ cho tôi cách yêu thương. Tôi cho con ăn, nhưng con chỉ cho tôi phải yêu thương ra sao. Tôi đem con tới điều trị vật lý, nhưng con tôi chỉ cho tôi cách biết yêu thương. Tôi thoa bóp các bắp thịt của con và nô giỡn quanh con, nhưng con tôi chỉ cho tôi biết yêu thương ra sao. Tôi nâng con lên và giúp con ra khỏi ghế, tôi đẩy xe đưa con đi mọi nơi, nhưng con tôi chỉ cho tôi cách biết yêu thương. Tôi hy sinh thì giờ, rất nhiều thì giờ cho con, nhưng con chỉ cho tôi phải yêu thương ra sao”.

Vậy câu hỏi cần đặt ra cho người muốn đến chia sẻ tình yêu cho người khuyết tật: Tôi là người khiếm thính-khiếm thị hay người biết lắng nghe lời rao giảng từ thập giá khuyết tật mà họ đang gửi đến cho tôi?

 

Hội An 10.5.2015. CN VI Phục Sinh

Lm Marcello Đoàn Minh