NƠI TẠO RA SỰ KHÁC BIỆT

NƠI TẠO RA SỰ KHÁC BIỆT

NƠI TẠO RA SỰ KHÁC BIỆT

Thượng Đế ở trên cao, con người ở dưới thấp

Thượng Đế là Thượng Đế, con người là con người

Ai ở đâu ở đấy, ai cũng ở nhà mình [1]

Bài hát nói lên quan niệm của bộ tộc Fang ở châu Phi xích đạo về Thượng Đế: Ngài ở cách biệt với con người và không hề bận tâm tới cuộc sống của họ.

Quan niệm này khác xa với cách nghĩ về Thượng Đế của người Kitô hữu. Ngày lễ Giáng Sinh, Kitô hữu khắp nơi mừng và tuyên xưng Đức Giê-su Ki-tô, Ngôi Hai Thiên Chúa sinh ra trên trần gian này, là Thiên Chúa thật và là con người thật. Thánh Gioan nói cách trang trọng và rõ ràng: “Ngài đã đến trong nhà của Ngài” (Ga 1, 11a). Thiên Chúa không muốn cư trú theo kiểu “ai ở đâu ở đấy” nhưng đã đến ở trong thế giới này mà thánh sử Gio-an gọi đó là “nhà của Ngài”. Theo cách diễn tả của bộ tộc Fang trên đây, có lẽ họ sẽ nói như sau: Thiên Chúa có một nhà của Ngài ở trên cao. Nhưng Ngài cũng có một ngôi nhà khác của Ngài ở giữa con người ở dưới thấp và Ngài đã đến trong ngôi nhà đó. Khi nói ai đó đi về nhà của mình có nghĩa là người đó về nơi ở lâu dài của mình khác với đi tham quan điểm du lịch hay tạm trú nơi nhà người.

Ngôi nhà được gọi là ‘mái ấm yêu thương’ vì là nơi người ta được người trong nhà tiếp nhận và yêu thương. Rủi thay, khi Thiên Chúa rời ‘ngôi nhà của Ngài trên cao’ để đến ở trong ‘nhà của Ngài dưới thấp’, Ngài đã không nhận được sự tiếp đón bình thường, vì như Thánh Gioan nói:  “Ngài đã đến trong nhà của Ngài nhưng gia nhân của Ngài đã không tiếp nhận Ngài.” (Ga 1, 11). 

Câu nói của Thánh Gioan lược tóm thái độ bất thường tệ hại của con người đối với Thiên Chúa ở ngay nơi đáng lý ra Ngài phải được đón tiếp tử tế. Chúa Giê-su đã kinh nghiệm điều đó khi từ khi đặt chân vào ‘nhà’ của mình. Không những với Đấng từ “trên cao xuống” mà giữa anh em trong nhà với nhau cũng diễn ra cảnh ‘nồi da xáo thịt’, anh em ghen ghét nhau, mưu hại nhau. Chặng cuối trong cuộc sống của Ngài tại căn nhà dương thế, họ đã bắt trói, đánh đòn, nhạo báng, rồi đóng đinh Ngài trên Thập giá. Chuyện đó đã và đang còn tái diễn qua các thời đại. Ngày nay, nếu Ngài đến ngôi nhà trái đất này, Ngài sẽ chứng kiến “con người đang tàn phá chính ngôi nhà của mình”. Cuốn phim ‘Sự Thật Phũ Phàng’ (An Inconvienient Truth) có những hình ảnh rất thật: “Đỉnh núi Kilimanjaro kiêu hãnh trong tiểu thuyết của Hemmingway hơn bốn mươi năm trước còn phủ đầy tuyết trắng, giờ chỉ là núi đá trọc. Một trong những hố nước lớn nhất thế giới ở châu Phi giờ trơ cạn đáy. Những tảng băng ở Bắc và Nam cực ngày càng tan rã nhanh chóng khiến những chú gấu trắng mất đất sống vì không tìm được tảng băng đủ lớn để trú ngụ. Các thảm họa môi trường như bão tố, lốc xoáy, lũ lụt, hạn hán ... ngày một nghiêm trọng và diễn ra khắp hoàn cầu và không từ bất cứ nơi chốn nào...”.[2]

Thật sự ra, ta vẫn còn hi vọng vì không phải ai cũng vậy vì biết bao tâm hồn khiêm tốn nghèo khó như Đức Maria và thánh Giuse đã dành cho Chúa bao là yêu thương. Ánh sáng tỏa chiếu từ hang đá Bê-lem cho thấy và làm ra sự khác biệt. Tại đó ta thấy Thiên Chúa vô hình đi vào thế giới hữu hình và lịch sử của con người và Ngài bắt đầu sứ mệnh cứu thế là đổi mới con người từ bên trong. Trong đêm Chúa ra đời, các mục đồng nghe thiên thần hiện ra báo tin, họ đã tới thờ lạy Chúa và ra về loan tin Chúa đến cho mọi người. Các nhà chiêm tinh từ phương đông khi ngắm sao trên trời mà biết có vị Cứu Thế mới giáng sinh đã lên đường tìm tới Hài Nhi theo ánh sao lạ soi dẫn. Kinh Thánh nói rằng: “họ đã đi lối khác mà về xứ sở mình” (Mt 2, 12). Với những đạo sĩ thành tâm tìm Chúa này, không những lộ trình của họ phải thay đổi để tránh gặp bạo vương Hê-rô-đê nhưng tâm hồn họ cũng đang đổi mới bởi vì ánh lửa đức tin đã nhen nhúm lên trong lòng họ. 

Từ đó về sau có nhiều người đã thay đổi chính mình và làm cho thế giới ngày càng tốt đẹp hơn nhờ họ biết bắt chước các nhà đạo sĩ: đến gặp Chúa Giê-su rồi trở về với đời thường của mình theo một con đường khác là từ bỏ ý riêng mình để làm theo ý Chúa. 

Marcello Đoàn Minh

Lễ Hiển Linh - 08.01.2017


[1]H. Trilles, Les Pygmées de la Forêt Équatoriale, Paris, 1932, tr.77, trích dẫn trong Mircea Eliade, Thiêng và Phàm- Bản Chất của Tôn Giáo, bản dịch của Huyền Giang (Hà nội: Nxb Tri Thức, 2016), tr. 126.

[2] Lê Hồng Lâm, “Chúng ta rồi sẽ chết nhưng con cháu chúng ta thì sao?”, Báo Thanh Niên, số 6 (7685) Thứ Sáu 06.1.2017 tr.18.