NIỀM VUI ĐÊM THÁNH

NIỀM VUI ĐÊM THÁNH

NIỀM VUI ĐÊM THÁNH

Tiếng còi của trọng tài

Sau tiếng còi của trọng tài, là dòng thác tiếng hò reo, mừng hát, vỗ tay, đám đông trên sân cỏ ôm hôn, nhảy nhót, tung cờ, ... Trên đường phố, người, xe nối đuôi chen lấn, tiếng kèn inh ỏi. Cuộc 'cử hành niềm vui chiến thắng' cứ thế dâng cao, nhưng càng về đêm càng suy yếu dần, cho đến sáng hôm sau, phố thị trở lại nếp sinh hoạt mỗi ngày. Người ta muốn cuộc vui lâu tàn nhưng cái kết của nó mau đến bởi gánh buồn lo, khổ sầu, áp lực cuộc sống đeo bám… Kinh nghiệm đau thương khốn khổ trong đời không là của riêng người nào. Ai cũng khát vọng cuộc sống an vui hạnh phúc và họ mong cầu tôn giáo đem lại cho tâm hồn sự giải thoát, niềm hoan lạc tinh thần trong xã hội tiêu thụ, tràn ngập thú tiêu khiển trong đời thực cũng như những 'games' trong thế giới ảo, ...

Lời chào của thiên sứ

Ki-tô giáo giới thiệu một niềm vui đến từ Thiên Chúa. Thánh Kinh mô tả “Thiên Chúa gần gũi những tâm hồn tan vỡ, cứu những tâm thần thất vọng ê chề” (Tv 33, 19). Ngài làm những việc lạ lùng trong không gian, thời gian và trong vĩnh cửu để cho con người tràn đầy hân hoan vui sướng. Ngài tạo niềm hoan hỉ, làm tăng thêm nỗi vui mừng (Is. 9,2), Như thể Ngài cũng có con tim biết cảm nhận niềm vui: “Vì ngươi Chúa sẽ vui mừng hoan hỉ, sẽ lấy tình thương của người mà biến đổi ngươi. Vì ngươi Chúa sẽ nhảy múa tưng bừng như trong ngày lễ hội (Dcr 3, 17). Đầy dẫy trong Thánh Kinh là những lời reo vui, gọi mời ‘hãy vui lên’.

Khởi đầu thời Tân Ước, thiên sứ Ga-bri-ên khi đến với Đức Ma-ri-a đã cất tiếng mời gọi: “Vui lên! hỡi Đấng Đầy Ơn Phúc. Đức Chúa ở cùng bà” (Lc 1, 28). Lời chào độc đáo này khai mở một hội vui lớn, không ầm ĩ như niềm vui chiến thắng bóng đá, nhưng rất thiêng liêng. Quả thật, sau lời “Xin Vâng” của Mẹ Ma-ri-a, “Chúc ấy Ngôi Thứ Hai đã xuống thế làm người”, mang đến cho nhân loại mọi thời niềm vui ơn cứu rỗi. Đây là mùa hồng ân, thời cứu độ.  Thiên thần loan báo cuộc giáng sinh của Ngài cho các mục đồng như là một sự kiện vui mừng vĩ đại: “Này tôi báo cho anh em một Tin Mừng trọng đại cũng là Tin Mừng cho toàn dân: Hôm nay Đấng Cứu độ anh em đã ra đời. Người là Đức Ki-tô, Người là Đức Chúa” (Lc 2,11). Khi rao giảng công khai, Đức Chúa Giê-su tự nhận Ngài người đem Tin Mừng cho người nghèo khó (x. Lc 4,16-20). Tin Mừng của Chúa Giê-su làm cho “nỗi buồn biến thành niềm vui”(Ga 16, 20), một ‘niềm vui trọn vẹn’ (Ga 15, 11), niềm vui thế gian không ban cho được và cũng không lấy mất được (Ga16, 22). Đó là niềm vui trong Thánh Thần (Lc 10, 21), biến đổi con người nên khiêm tốn hiền hòa, yêu thương phục vụ, làm cho họ hân hoan vui cả trong khi bị bách hại (x. Cv 13, 52).

Lời tôn vinh Thiên Chúa của người chăn chiên

Nhưng xin hỏi: niềm vui Chúa ban cho là lời hứa hay hiện thực? Ai đắc thủ được nó? Và làm thế nào để có được? Những người chăn chiên theo chỉ dẫn của thiên thần, tìm đến hang Bê-lem và thấy đúng như lời thiên thần báo cho họ và ra về cao rao Thiên Chúa. Lời tôn vinh của những mục đồng (bị xã hội coi là dơ bẩn) chứng thực: niềm vui ơn cứu rỗi không còn là lời hứa xa xôi huyền hoặc, không phải là đặc ân cho người cao sang quyền quí, bậc thánh nhân thoát tục, hạng thông thái khôn ngoan nhưng được trao ban cho những ai khiêm nhu, chân thành, có lòng tin đơn sơ vào Lời Chúa. Thiên Chúa đã sinh ra trong phận người một hài nhi bé bỏng. Con người được Thiên Chúa yêu thương, Thiên Chúa trung tín với lời hứa. Thiên Chúa là “Em-ma-nu-en”, “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”, chịu chết đền tội cho ta, ban Thánh thần cho ta phúc làm con Thiên Chúa, và hưởng niềm vui đời đời trên thiên đàng. Đức Giáo hoàng Phan-xi-cô mở đầu tông huấn ‘Niềm Vui của Tin Mừng’ bằng lời xác quyết: “Niềm vui của Tin Mừng tràn ngập tâm hồn và cuộc sống của những ai gặp gỡ Đức Giê-su. Những ai để cho Người cứu độ, sẽ được giải thoát khỏi tội lỗi, khỏi đau buồn, khỏi cuộc sống trống rỗng, khỏi cô đơn” (số 1).

Nếu Ki-tô giáo là đạo của Tin Mừng thì Ki-tô hữu phải sẵn sàng trả lời cho những ai chất vấn niềm vui và hi vọng của mình (x.1Pr 3,15). Họ là những sứ giả loan báo Tin Mừng chứ không phải những tiên tri loan báo tai họa hay án phạt của Thiên Chúa. Thật trớ trêu khi theo một tôn giáo của niềm vui mà chức sắc,tín đồ lại là kẻ loan tin buồn, mệt mỏi, hời hợt, bất mãn triền miên. Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô cho là một mối nguy cho người tín hữu khi họ sống ích kỷ, không quan tâm đến tha nhân, đến người nghèo, không nghe tiếng nói của Thiên Chúa, không cảm nhận niềm vui an bình của Chúa. Ngài khẳng định: “Đó không phải là cách để chúng ta sống một đời sống xứng đáng và sung mãn; đó không phải là ý muốn của Thiên Chúa đối với chúng ta, cũng không phải là đời sống trong Thần Khí bắt nguồn từ trái tim của Đức Kitô phục sinh.” (Sđd, số 2). Ngài chỉ ra cách thức chiếm hữu niềm vui: “Tôi kêu mời mọi Kitô hữu ở khắp nơi, ngay lúc này, đi vào một cuộc gặp gỡ mới mẻ với Đức Giêsu Kitô, hay ít là mở lòng ra để cho Chúa Giêsu gặp gỡ mình; tôi xin tất cả anh chị em không ngừng làm điều này mỗi ngày. Không ai được nghĩ rằng lời mời gọi này không phải dành cho mình, vì không một ai bị loại trừ khỏi niềm vui mà Chúa Giêsu đem đến”.(Sđd, số 3)

Lời rao giảng thầm lặng của vị thiền sư

Thích Nhất Hạnh, thiền sư Việt Nam nổi tiếng trên khắp thế giới, tác giả của một trăm cuốn sách về thiền học. Sau nhiều năm hành đạo ở nước ngoài, cuối tháng 10 vừa qua, ngài về tịnh dưỡng cho đến khi viên tịch tại Chùa Từ Hiếu ở Huế,nơi ngài xuất gia tu đạo từ năm 16 tuổi.Không còn du thuyết đó đây, nhưng cuộc sống của ngài trong cảnh tịch liêu là một lời rao giảng thầm lặng cho đạo pháp, như một vì sao tỏa lan ánh sáng thiền học tại chính nơi mình được lần đầu tiếp xúc với luồng sáng đó.

Chúa Giê-su là niềm vui viên mãn, là hạnh phúc vĩnh cửu cho con người. Hãy để cho Ngài sinh ra trong tâm hồn và trong cộng đoàn chúng ta, làm cho mỗi chúng ta trở thành như vị thiền sư kia, sứ giả loan Tin Mừng bình an nơi chúng ta đang sống, làm sao cuộc sống chúng ta loan báo Tin Mừng, làm vang lên lời hoan chúc:

Vinh danh Thiên Chúa trên trời

Bình an dưới thể cho người Chúa thương.

 

Hội An, ngày 24 tháng 12 năm 2018

Lm. Marcello ĐOÀN MINH