NGHĨ VỀ MỘT LỜI HỨA

NGHĨ VỀ MỘT LỜI HỨA

NGHĨ VỀ MỘT LỜI HỨA

Ân huệ sự sống

Kết thúc cuộc sống trần gian, Chúa Giê-su bị xử tử đóng đinh trên đồi vắng bên ngoài thành, giữa hai tên trộm cướp. Tên trộm lành xin Ngài: “Ông Giê-su ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi” (Lc 23, 42). Biết bao nhiêu ngày ‘hôm nay’ đã qua đi trong đời kẻ ‘chọc trời khuấy nước’ này, nhưng những tất cả đã dẫn y tới án tử hình thập tự. Một chân của y đã chạm vào ngưỡng cửa sự chết. Chính lúc đó, lời hứa của Chúa Giê-su mở ra cho y cánh cửa sự sống: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng” (Lc 23,43). Vậy là án tử thập tự chỉ giết được thân xác của y nhưng không hủy hoại sự sống nơi y. Nếu quân lính có đến đánh gãy ống chân để kết liễu đời y, thì y được cho ‘đôi chân khác’ để đi tiếp hành trình. Chúa Giê-su ban cho y sự sống mới, làm cho cái chết đang tới với y trở thành cổng ngõ để y bước vào. Hẳn tên trộm may mắn này lúc đó sẽ hiểu hơn ai hết: thế nào là ‘sống’, thế nào là ‘chết’!

Việc Chúa Giê-su “hứa ban Nước Thiên đàng cho người kẻ trộm có lòng ăn năn” cho thấy rõ ràng: sự sống vĩnh cửu, sự sống vượt thắng sự chết, là quà tặng nhưng không Thiên Chúa ban cho con người trong Đức Ki-tô. Thánh Âu-gut-ti-nô coi đấy là vật đối lưu giữa con người và Thiên Chúa. Quả thật, thánh nhân ví cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa Giê-su như một cuộc “trao đổi lạ lùng”, bên này trao cho bên kia cái mà bên đó không có: con người trao cho Thiên Chúa cái chết, Thiên Chúa chết để trao cho con người sự sống: “Như thế, Người đã muốn ban sự sống cho loài người phải chết: vì chưng những gì chúng ta có xưa, chúng ta không thể sống: cũng như với những gì là của Người trước kia, Người không thể chết. 

Vì thế, Người thực hiện một cuộc trao đổi lạ lùng với chúng ta, trong đó cả hai đều góp phần: phần của chúng ta khiến Người phải chết, còn phần của Người khiến chúng ta được sống…. Khi đón nhận từ phía chúng ta sự chết mà Người thấy nơi chúng ta, thì Người đã bảo đảm chắc chắn sẽ ban cho chúng ta sự sống mà tự mình chúng ta không thể có được.”[1]

Ý nghĩa sự sống mới

Hệ quả cuộc hoán đổi này, sự sống mang một ý nghĩa mới do chính Thiên Chúa, tác giả của sự sống, xác lập. Đó là sống vĩnh cửu, sống trong Thiên Chúa. Sự sống đó chúng ta tiếp nhận nhờ và trong Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng đã nói: “Ta là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống” (Ga 14,6). Chúa Giê-su đã dùng hình ảnh cây nho  để nói về truyền thông sự sống: “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy anh em chẳng làm gì được (Ga 15,5). Thánh Phao-lô kinh nghiệm về sự sống này nơi mình, đã nói: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).  Ngài nói thế khác chi bảo rằng: tôi hành động, suy tư, nói năng, nhưng đang có nơi tôi sự sống của Chúa Ki-tô. Nhờ Chúa Giê-su mà với sự sống mới này, cuộc sống trần gian của ta được tháp nhập vào sự sống của Thiên Chúa. Trần gian, nơi ta đang cư ngụ đây, là điểm tiếp nhận mầm sống mới, để rồi tích hợp và tăng trưởng qua dòng thời gian,  cho tới mức viên mãn trong đời sống vĩnh cửu, khi ta được hiệp thông trọn vẹn với Ba Ngôi Thiên Chúa: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

Với cái nhìn này, chết không phải là lao xuống một vực thẳm bất định tăm tối nhưng là lúc “sự sống thay đổi chứ không mất đi”. Cái chết trở thành chỗ thâm cung mà ở đó sự sống được tiếp nhận và chuyển hóa để mặc lấy sức sinh động thần kỳ. Chết là điểm kết thúc cuộc đời nhưng lại khởi đầu một cách thế hiện hữu trong đó đời sống mới lộ rõ hơn tính cách vĩnh cửu của nó.[2]

Ánh sáng cho cuộc đời

Xưa nay câu chuyện đi tìm ý nghĩa cuộc sống là chuyện nhiêu khê, rất dễ là chuyện “gió theo lối gió, mây đường mây” [3], mỗi người nói theo cách của riêng mình. Điều người này tâm đắc có thể bị người kia coi là tầm thường. Những ‘sản phẩm’ nội thất, du lịch, giải trí, bảo hiểm … làm nên ‘chất lượng cuộc sống’ cho lớp người này trong khi nhóm khác chẳng cần, thậm chí còn xếp vào loại ‘đồ bỏ’. Cùng ngồi trên con thuyền sự sống, nhưng người ta như những kẻ ‘đồng sàng dị mộng’, dăm ba người xuống bên này sông, vài người khác, bên kia sông, nhiều người còn lại, bến bờ còn xa tắp. Thế nhưng ai cũng phải sống và phải suy nghĩ về cuộc sống của mình, nên câu chuyện “ông nói gà, bà nói vịt” này còn dài và còn dài thêm sự … rối rắm!

Chúa Giê-su đến trần gian, chết và sống lại để đem ơn cứu rỗi cho toàn thể nhân loại. Dưới ánh sáng của mầu nhiệm Vượt Qua của Ngài, sự sống, sự chết của mỗi người nhận ra được ý nghĩa đích thực mà họ cần am hiểu. Ở đây cái sống chết của họ được tập trung lại trong một cái chết lớn để từ đó nảy sinh sự sống vĩnh cửu.[4] Tiến trình này soi sáng con người biết mình bởi đâu và mình đi về đâu.Quà tặng sự sống vô giá “hôm nay” được ban nhưng không cho tên trộm lành, Chúa Giê-su cũng sẵn sàng để ban cho những ai muốn cùng với y ‘ăn trộm Nước Thiên Đàng’.[5]

Như vậy, kể từ ngày Chúa phục sinh, nếu người ta muốn trao đổi cách nghiêm túc về ý nghĩa đời sống, câu chuyện của họ sẽ bớt đi tính hồ đồ, bất định bởi lẻ điều cần phải minh xác thì Con Thiên Chúa đã chết và sống lại để nói lên cho mọi người, mọi thời đại, một lần thay tất cả.

 

Linh mục Marcello ĐOÀN MINH

Thứ Sáu Tuần Thánh – 14/4/2017

 


[1]Thánh Âu-gut-ti-nô, trích lại trong bài đọc II Kinh Sách Thứ Hai Tuần Thánh.

[2]Xem Hans Urs Von Balthasar, Le Coeur du Monde(Versailles: Editions Saint-Paul, 1997), 79

[3]Hàn Mạc Tử, “Đây Thôn Vỹ Dạ”.

[4]Xem Hans Urs Von Balthasar, sđd, 78-79.

[5]Thánh Gioan Kim Khẩu nói về tên trộm lành: “Từ thập giá y đã bay bổng lên trời. Thực vậy, tự thân là một tên ăn trộm chuyên nghiệp, y đã dùng ngón nghề của mình để cướp lấy Nước Trời, bằng lòng sám hối và lời tuyên xưng đức tin”.