NÉT PHÁC THẢO CỦA CHÂN DUNG LÒNG THƯƠNG XÓT

NÉT PHÁC THẢO CỦA CHÂN DUNG  LÒNG THƯƠNG XÓT

NÉT PHÁC THẢO CỦA CHÂN DUNG LÒNG THƯƠNG XÓT

Tượng “Jesus, the Greatset” và Chúa Giê-su chịu phép rửa

Hôm thứ sáu 01 tháng Giêng, hơn 100 linh mục và hàng ngàn giáo dân đã đến tại thị trấn Abajah,  phía Đông Nam Nigeria để tham dự lễ khánh thành bức tượng Chúa Giê-su bằng cẩm thạch trắng cao 9 mét, nặng 40 tấn. Đây là tượng Chúa Giê-su lớn nhất Phi Châu do Obinna Onuoha, giám đốc công ty dầu khí và phân phối khí đốt tại địa phương hiến tặng và được đặt trong sân nhà thờ cũng do ông xây vào năm 2012. Hẳn là buổi lễ này làm nức lòng mọi người. Trong bài giảng lễ Đức Giám Mục Augustine Tochukwu Okwuoma cho rằng: bức tượng là "biểu tượng rất lớn về đức tin cho các tín hữu cũng như những người qua đường. Nó sẽ nhắc nhở họ về tầm quan trọng của Chúa Giêsu Kitô trong đời sống chúng ta".

Như thế là cộng đoàn Abajah bước vào Năm Mới 2016 với việc chiêm ngưỡng tượng đài ‘Jesus The Greatest’ (‘Đức Giê-su, Đấng Vĩ Đại Nhất’ - tên bức tượng), uy nghi, rất đáng tự hào. Trong khi đó phụng vụ phần thường niên mở đầu với lễ Chúa Giê-su Chịu Phép Rửa, trình bày một Chúa Giêsu trong dáng vẻ giản dị, không chút cao sang, quyền thế. Khung cảnh diễn ra vào lúc khởi đầu đời sống công khai, Chúa Giê-su đến tại sông Gio-đan. Tại đó Gioan đang rao giảng kêu gọi mọi người sám hối dọn lòng mình đón tiếp Đấng Sẽ Đến. Nhiều người nghe lời Gioan, nhận mình là kẻ có tội và bước xuống sông để Gioan dìm vào dòng nước, nói lên quyết tâm hoán cải đời sống. Không đợi đám người kia chịu thanh tẩy xong sẵn sàng đón tiếp mình, Chúa Giê-su đích thân đứng vào hàng ngũ của họ cùng bước xuống sông để nhờ Gioan làm phép rửa cho. 

Chúa Giê-su tự hủy và phép rửa ban ơn cứu độ

Ở đây sự vĩ đại của một Vị Thiên Chúa biểu lộ trong cách ứng xử của một tội nhân. Cảnh tượng này làm ta nhớ đến bài ca về Đức Kitô tự hạ mình trong thư Philip: “Ngài đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự.” (Pl 2, 7-8).

Trong biến cố này là Con Thiên Chúa sẵn sàng tự hủy mình, sẵn sàng tự hạ mình, sẵn sàng ra khỏi chính mình, đi tới “vùng ngoại biên” để liên đới và trách nhiệm với những lỗi phạm, những lầm than khốn khổ của kiếp sống con người. Thiên Chúa nơi Chúa Giê-su chịu phép rửa không phải là tượng đài đứng trên cao chót vót để phán dạy, và là mối lo sợ cho người có tội kẻ có lỗi; nhưng Ngài đi xuống và cúi mình trên từng vết thương trong tâm hồn và trên thân thể người trần. 

Tại sông Gio-đan hôm nay, Chúa Giê-su chịu “phép rửa trong Thánh Thần” để kết nối với nhân loại tội nhân hầu thanh tẩy họ để rồi trên thập giá, Ngài hoàn tất với “phép Rửa bằng lửa” Ngài chịu để thiêu hủy tội lỗi trên thế gian này.[1] Trong Chúa Giê-su chịu phép rửa là cả nhân loại được dìm vào trong dòng suối cứu độ để được “ơn tái sinh và đổi mới trong Thánh Thần”, để “được nên công chính, được thừa hưởng sự sống đời đời như chúng ta vẫn hi vọng” (x Tt 2,5-7, bài đọc II). 

Lễ ‘ra mắt’ trong đời công khai của Chúa Giê-su đây, không quan chức, không kèn không trống, không cờ hiệu chào đón, nhưng có tiếng Chúa Cha từ trời tuyên phán: “Con là Con yêu dấu của Cha; Cha hài lòng về Con”. Và Chúa Thánh Thần ngự xuống dưới hình chim bồ câu để đón nhận tâm tình của Chúa Con mà dâng về Chúa Cha. Vậy là ‘ba mặt một lời’, cả Ba Ngôi cùng hiện diện để xác lập hành vi và hành trình cứu thế của Chúa Giê-su.   

Chúa Giê-su chịu phép rửa: nét phác thảo Chân Dung Lòng Thương Xót

Như thế, nếu hiểu phác thảo là tạo ra một bản mẫu bằng những đường nét cơ bản để cho thấy ý đồ mình muốn thể hiện trong tác phẫm của mình, thì với dấu hiệu ‘dìm vào trong nước’, Chúa Giê-su phác thảo bức “Chân dung của Lòng Thương Xót”. Ở đây Chúa cho thấy nét chính gợi ý rồi tiếp theo, Ngài sẽ tô đậm thêm.

Quả thật, trong cuộc đời rao giảng, Chúa Gie-su sẽ hiện thực những gì Ngài muốn làm qua phép rửa. Ngài thường xuyên với những người bị loại trừ, đụng chạm người phung hủi (Lc 4, 13), tiếp xúc với những kẻ tội lỗi và ăn uống với họ’ (Lc 15, 2), hiện thực điều cụ già Simeôn tiên báo: “trở thành duyên cớ cho nhiều người It-ra-en ngã xuống hay đứng lên, … dấu hiệu cho người đời chống báng” (Lc 2, 34). Sự chống đối dâng cao đến mức Ngài bị bắt, bị xét xử, lính tráng nhạo báng cho mặc áo đỏ, đội mão gai, khạc nhổ vào mặt, lấy gậy gõ lên đầu, cuối cùng bị kết án tử hình trên thập giá như một tội nhân.Thế nhưng, chính lúc “không còn hình tượng người ta nữa”, bức “Chân Dung Lòng Thương Xót” đã tới gần chỗ hoàn tất mà những chi tiết đã được tiên tri phác họa từ xa xưa rồi: 

Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, 

giơ má cho người ta giật râu.

Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ. (Is 50, 6)

Theo Chúa Giê-su sống tự hủy trong việc bác ái

Khi đến sông Gio-đan để chịu phép rửa bởi tay Gio-an, Chúa Giê-su, “Đấng Vĩ Đại Nhất” xuất hiện trong vẻ khiêm hạ thẳm sâu. Ngài cho thấy đó chính là “Chân Dung Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Chúa Giê-su đã chọn đi con đường “hủy mình ra không” thì người môn đệ của Chúa, những người muốn tiếp nối việc cứu thế của Ngài, cũng phải đi con đường đó. Ít người như vị doanh nhân trên đây có cơ hội và điều kiện để hiến tặng bức tượng quí giá. Tuy nhiên nếu mục đích của tượng ‘Jesus the Greatest’ là để đưa người ta đến chiêm ngưỡng, mộ mến, bắt chước Chúa Giê-su, thì còn nhiều cách khác có thể đạt mục đích đó. Những người như Mẹ Tê-rê-xa ôm ẵm những người phong cùi, bại liệt, liệt kháng, những người già yếu tàn phế bị vứt bỏ nơi cống rãnh thành phố Cal-cut-ta, họ họa lại nơi mình Chân Dung Lòng Thương Xót. Thiết tưởng chứng từ đời sống của họ cũng trở thành một “biểu tượng lớn về đức tin” khi họ theo gương Chúa Giê-su, cúi mình xuống trên nỗi đau của anh chị em mình.

 

Linh mục Marcello ĐOÀN MINH

08.01.2016


[1] Hans Urs von Balthasar, Lumière de la Parole, Commentaire des lectures dominicales - Année C (Bruxelles: Éditions Lessius, 1997).