NỀN TẢNG TÂN ƯỚC VÀ GIÁO HUẤN CỦA KINH THƯƠNG NGƯỜI CÓ MƯỜI BỐN MỐI

NỀN TẢNG TÂN ƯỚC VÀ GIÁO HUẤN CỦA KINH THƯƠNG NGƯỜI CÓ MƯỜI BỐN MỐI

NỀN TẢNG TÂN ƯỚC VÀ GIÁO HUẤN CỦA KINH THƯƠNG NGƯỜI CÓ MƯỜI BỐN MỐI

Để thực hiện chương trình cứu độ, Chúa Giê-su đã trở nên giống con người mọi đàng, ngoại trừ tội lỗi (x. Pl 2,7) hầu trải qua kinh nghiệm của người trần thế mà Ngài muốn cứu vớt. Trong cuộc sống trần gian, Chúa Giê-su đã diễn tả lòng thương xót của Chúa Cha dành cho nhân loại rất cụ thể và sống động qua chính sự chạnh lòng của Ngài trước những con người đang đau khổ về phần xác lẫn phần hồn. Ngài chạnh lòng thương khi nhìn thấy đám đông bơ vơ không có ai chăn dắt (Mt 9,36) và thân tình chia sẻ với các môn đệ về lòng thương xót của Ngài trước đám đông đang đói khổ: “Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở luôn với Thầy ba ngày rồi và họ không có gì ăn” (Mt 15,32).

1. Nền tảng Tân Ước của Kinh Thương người có mười bốn mối.

Lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho hết mọi người và mọi thời, không chỉ cho dân riêng của Chúa là dân Israel, mà còn cho mọi dân tộc, vì Ngài là Đấng giàu lòng thương xót (2Cr 1,3). Ngài đã xót thương ủy thác cho Phaolô sứ mạng loan Tin Mừng (x. 2Cr 4,1) và hứa xót thương những ai tin tưởng vào Ngài (Mt 5,7: 1Tm 1,2; 2Tm 1,2: Tt 1,4; 2Ga 3). Đặc biệt, hai thánh ca Ngợi Khen (Magnificat) (Lc 1,50-54) và Chúc Tụng (Benedictus) (Lc 1,72-78) nhấn mạnh đến tính phổ quát của lòng Chúa thương xót: “Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người” và “Thiên Chúa ta đầy lòng trắc ẩn,cho Vầng Đông tự chốn cao vời viếng thăm ta,79 soi sáng những ai ngồi nơi tăm tối và trong bóng tử thần, dẫn ta bước vào đường nẻo bình an". Vì nhận ra lòng thương xót của Thiên Chúa nơi Chúa Giê-su, nhiều người đã lên tiếng khẩn nài lòng xót thương của Ngài: “Lạy Ngài, xin dủ lòng xót thương tôi” (Mt 15,22).

Vậy, đâu là điều kiện để hưởng lòng thương xót của Thiên Chúa? Chúa Giê-su trả lời rõ ràng: “Anh em hãy có lòng thương xót như Cha anh em là Đấng có lòng thương xót” (Lc 6,36) và “ Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt 5,7). Đó còn là điều kiện để vào Nước Trời. Vì thế, cuộc phán xét sau cùng cho mỗi chúng ta là cuộc phán xét về lòng thương xót của chúng ta dành cho anh chị em mình. Nói rõ hơn, vào ngày sau cùng, chúng ta sẽ bị tra hỏi về cách đối xử của chúng ta trước những nhu cầu cần thiết của anh chị em mình, mà qua đó chúng ta làm cho Chúa Giê-su, vì tình yêu của Thiên Chúa chỉ ở lại trong những người biết động lòng thương những anh chị em đang lâm cảnh khốn khổ và chia sẻ những nhu cầu của họ (x. 1Ga 3,17). Cụ thể đó là những việc gì?

Đoạn Tin Mừng Mt 25,31-46 được xem tóm tắt toàn bộ những việc chúng ta phải làm trước những nhu cầu của anh chị em đang thiếu thốn, cũng là những điều được kinh Thương người có mười bốn mối đề cập. Đoạn Tin Mừng này trình bày cuộc phán xét chung cuộc, trong đó, những người thấp hèn và yếu thế có lòng tin vào Chúa được hưởng tự do, an bình và hạnh phúc trong Nước Thiên Chúa, đồng thời thế giới bất công và thiếu lòng thương xót này sẽ qua đi và mọi người sẽ đối diện với Thiên Chúa để trả lời về lòng xót thương phải có của mỗi người.

Cuộc phán xét không miễn trừ một ai hay một quốc gia nào (Mt 25,32) và mọi sự được phơi bày trước mặt Thiên Chúa như lời Chúa đã nói: “Còn Ta, Ta biết rõ việc làm và ý định của chúng, Ta sẽ đến tập họp mọi dân tộc và mọi ngôn ngữ; họ sẽ đến và được thấy vinh quang của Ta” (Is 66,18). Ngày đó, “Con Người ngự đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên thần, và bấy giờ, Người sẽ thưởng phạt ai nấy xứng việc họ làm” (Mt 16,27). Do đó, Lời Chúa trong Tin Mừng thánh Luca đã cảnh báo mọi người: “Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người” (Lc 21,36).

Lời Chúa trong Mt 25,31-46 tỏ rõ, trong cuộc phán xét, chúng ta sẽ bị chất vấn về thái độ của chúng ta với những “người anh em” của mình (c.40), là những người đang có nhu cầu khẩn thiết. Nói cách khác, chúng ta sẽ bị phán xét về tình yêu, về những hành vi của lòng thương xót đối với anh chị em mình:

"Khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người.32 Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê.33 Người sẽ cho chiên đứng bên phải Người, còn dê ở bên trái.34 Bấy giờ Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên phải rằng: "Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa.35 Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước;36 Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han."37 Bấy giờ những người công chính sẽ thưa rằng: "Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống;38 có bao giờ đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước; hoặc trần truồng mà cho mặc?39 Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù, mà đến hỏi han đâu? "40 Đức Vua sẽ đáp lại rằng: "Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy."41 Rồi Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên trái rằng: "Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó.42 Vì xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống;43 Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã không cho mặc; Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã chẳng thăm viếng."44 Bấy giờ những người ấy cũng sẽ thưa rằng: "Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói, khát, hoặc là khách lạ, hoặc trần truồng, đau yếu hay ngồi tù, mà không phục vụ Chúa đâu? "45 Bấy giờ Người sẽ đáp lại họ rằng: "Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy."46 Thế là họ ra đi để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính ra đi để hưởng sự sống muôn đời."

2. Nền tảng giáo huấn của kinh Thương người có mười bốn mối

Những việc làm cần có để bày tỏ lòng thương xót trong bản văn Mt 25,31-46 trên đã được Giáo Hội lưu tâm và kêu gọi mọi người thực hiện. Qua Hiến Chế Mục Vụ “Về Giáo Hội Trong Thế Giới Hôm Nay” (Gaudium et Spes), Công Đồng Vatican II dạy rằng:

“Đặc biệt trong thời đại hôm nay, chúng ta càng được thúc bách phải trở nên người lân cận của mọi người và tích cực giúp đỡ khi họ đến với mình, hoặc đó là một người già lão bị mọi người bỏ rơi, hoặc là một công nhân ngoại quốc bị khinh rẻ cách bất công, hoặc là một người lưu vong, hay một đứa bé sinh ra do cuộc tình duyên bất hợp pháp phải chịu đau khổ cách oan ức vì một tội mà mình không phạm, hoặc một kẻ đói ăn đang kêu gọi lương tâm chúng ta, gợi nhớ lời Chúa nói: “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi làm cho chính Ta” (Mt 25,40).

Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo trình bày Chúa Giê-su như là Thầy Thuốc, là mẫu gương về lòng xót thương được Mt 25 đề cập. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo số 1503 viết:

“Lòng thương cảm của Đức Ki-tô đối với các bệnh nhân và nhiều việc chữa lành mọi thứ bệnh tật Người đã thực hiện là một dấu chỉ hiển nhiên cho thấy rằng Thiên Chúa đã viếng thăm dân Ngài và Nước Thiên Chúa đã gần kề. Chúa Giê-su không những có quyền chữa lành mà còn có quyền tha tội. Người đến để chữa lành con người toàn diện, cả xác cả hồn; Người là thầy thuốc mà các bệnh nhân cần đến. Lòng thương cảm của Người đối với tất cả những người chịu đau khổ, đã đi đến chỗ Người tự nên một với họ: “Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng” (Mt 25,36). Tình yêu đặc biệt của Người đối với những người đau yếu, trải qua các thế kỷ, đã không ngừng khơi dậy sự quan tâm đặc biệt của các Ki-tô hữu đối với tất cả những ai chịu đau khổ phần xác hay phần hồn. Tình yêu này làm phát sinh những cố gắng không mệt mỏi để nâng đỡ những người đau khổ đó.”

Trong số 1932, sách Giáo Lý còn thúc bách hơn: “Bổn phận “trở nên người lân cận” của người khác và tích cực phục vụ họ lại càng khẩn thiết hơn, khi họ nghèo khổ hơn về bất cứ phương diện nào. “Mỗi khi các ngươi làm như thế cho một một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40).

Như vậy, những điều Chúa dạy chúng ta thể hiện lòng thương xót để nên giống Chúa Cha là Đấng giàu lòng thương xót được ghi trong Thánh Kinh, đặc biệt trong Mt 25,31-46 và được tóm tắt trong kinh Thương người có mười bốn mối, luôn được Giáo Hội dùng để răn dạy con cái của mình thực hiện, hầu có thể đứng vững trước mặt Thiên Chúa trong ngày phán xét. Đó cũng là cách thế chúng ta chứng minh đức tin vào Thiên Chúa và tình yêu dành cho Thiên Chúa và anh chị em của mình, vì “nếu ai nói: “Tôi yêu mến Thiên Chúa” mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1Ga 4,20).