LÒNG YÊU MẾN CHÚA GIÊ-SU VÀ SỨ VỤ BÁC ÁI

LÒNG YÊU MẾN CHÚA GIÊ-SU VÀ SỨ VỤ BÁC ÁI

LÒNG YÊU MẾN CHÚA GIÊ-SU VÀ SỨ VỤ BÁC ÁI

Người xin việc làm không những phải nộp hồ sơ nhưng còn phải đi phỏng vấn để lãnh đạo tổ chức biết thêm con người thật của anh ta. Phêrô không đi xin việc, đúng hơn ông được chọn để giao việc, nhưng trước đó ông cũng chịu phỏng vấn. Một lần tại miền Cesarêa, Chúa Giêsu hỏi các môn đệ về dư luận quần chúng nói về Chúa. Các ông nói lại cho Chúa Giêsu các ý kiến khác nhau. Chúa Giêsu không dừng lại ở đó, Ngài muốn biết ý nghĩ của các ông: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Đây là cuộc tra hỏi về đức tin của các tông đồ. Phêrô đã thay mặt anh em tuyên xưng: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Liền đó, Chúa Giêsu tuyên bố: “Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi”. (Mt 16, 13-18).

Phúc Âm Chúa nhật hôm nay (III Phục Sinh-C) kể lại việc Chúa Giêsu hiện ra cho các tông đồ trên bờ hồ sau khi sống lại. Sau phép lạ mẻ cá lạ lùng, trước khi trao phó cho Phêrô sứ vụ chăn dắt đàn chiên của Chúa, Chúa Giêsu hỏi ông:  “Này anh Simon, con ông Gioan, anh có yêu mến Thầy hơn các anh em này không?” (Ga 21, 15). Chúa Giêsu đòi hỏi nơi Phêrô không phải là một tình yêu chung chung nhưng là tình yêu có đối tượng ưu tiên là chính Chúa Giêsu. Qua ba câu trả lời gảy gọn ứng với ba lần chối Chúa, Phêrô xác nhận tình yêu trung kiên của mình đối với Chúa Giêsu.

Phêrô đã hiểu và sống theo những lời tuyên xưng của mình. Trước tòa Công nghị Do Thái, không còn là một Phêrô hèn nhát sợ sệt, nhưng là một tông đồ can đảm mạnh mẽ. Đối với ông, lệnh cấm rao giảng danh Giêsu không có giá trị chi cả bởi vì lề luật của ông lúc này là: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm”. (Cv 5, 29). Ông không chấp nhận thỏa hiệp, không chịu nhường bước để có cuộc sống yên hàn, bởi vì ông đã có một niềm vui khác, vui làm chứng trong đau khổ: “Lòng hân hoan vì được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giê-su.” (Cv 5, 41).

Thánh Phêrô biết mình là ai, mình phải làm gì, mình phải sống thế nào. Nói cho văn vẻ, Phêrô sống đúng căn tính và sứ vụ của mình. Đó là bài học cho người hội viên Caritas. Caritas là tổ chức làm việc bác ái của Hội Thánh chứ không phải là một hội từ thiện như bao nhiêu hội khác, và hội viên Caritas không đơn giản là một nhân viên công tác xã hội. Hội viên Caritas là sứ giả tình yêu và chứng nhân cho Tin Mừng của Chúa Giêsu, để làm cho người khác nhận biết và sống trong tình yêu Thiên Chúa. Khi xác định như thế, hội viên sẽ yêu mến, sống gắn bó với Chúa Giêsu. Họ sẽ khám phá thấy Chúa Giêsu nơi những người mình được sai đến. Họ biết kính trọng, biết lắng nghe và giúp người khác nhận ra tình yêu Chúa Kitô, biết rằng Chúa Kitô luôn ở với họ và luôn yêu thương họ. Nói về động cơ dấn thân của mình, hội viên Caritas cũng sẽ nói như thánh Phao-lô: “Tình yêu Chúa Kitô thúc bách chúng tôi” (2Cr 5, 14).

                                                        Linh mục Marcello ĐOÀN MINH, 09/04/2016