KÍNH CHÀO ĐẤNG PHỤC SINH

KÍNH CHÀO ĐẤNG PHỤC SINH

KÍNH CHÀO ĐẤNG PHỤC SINH

Khi tảng đá đã lấp kín cửa mộ Chúa Giê-su, giới lãnh đạo Do thái có thể yên tâm vì họ đã tiến hành đúng qui trình phương án: một người chết thay thế cho toàn dân. Đóng đinh Chúa Giê-su với tội danh bạo loạn, họ nghĩ mình đã làm một việc nghĩa cho đồng bào và khép lại một vụ việc phức tạp liên quan tới tôn giáo lẫn chính trị.

Nhưng sự việc không dừng lại ở đó vì sáng ngày thứ ba, khi các phụ nữ ra thăm mộ để xức thuốc thơm ướp xác Chúa, họ thấy hòn đá lấp cửa mộ lăn ra một bên và có thiên thần hiện ra cho biết Chúa không còn ở đây, ngài đã sống lại. Cũng trong ngày hôm ấy, khi các tông đồ họp nhau trong nhà, Chúa Giê-su hiện ra với họ trao ban bình an. Ngài còn hiện ra với hai môn đệ trên đường đi Em-mau, và với các tông đồ tại Ga-li-lê-a. Hóa ra người ta đã đóng đinh, đã chôn cất Ngài nhưng Ngài còn đang sống! Từ lúc đó sự việc đã vụt ra khỏi tầm kiểm soát của họ.

Chúa Giê-su chết theo nghĩa: Ngài đã tắt hơi thở trên thập giá và thân xác Ngài được chôn trong mồ đá nhưng sự sống nơi Ngài không bị lấy đi. Ngài là nguồn sự sống, là Đấng thông ban sự sống. Ngài nói về sứ mệnh của mình:  “Tôi đến để chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10). Nguyên tổ A-đam đánh mất sự sống siêu nhiên, sự sống trong ơn nghĩa với Thiên Chúa. Con Thiên Chúa, là A-đam mới, đến trần gian để phục hồi sự sống. Cuộc thương khó là thời khắc của quyền lực ác thần thì cũng là giờ Thiên Chúa thi thố quyền năng và tình yêu thương của Đấng ban sự sống. Quả thật, cuộc khổ nạn của Chúa Giê-su là một hiến lễ tình yêu, trong đó Chúa Giê-su nối kết toàn thể nhân loại trong một lễ dâng thánh thiện tinh tuyền, có sức tẩy sạch tội lỗi và ban ơn tha thứ. Khi chịu treo trên thập giá, Chúa Giê-su chứng tỏ hiện hữu của Ngài là một tình yêu mạnh hơn tội lỗi và sự chết. Tử thần không giết được Ngài. Khi sống lại ra khỏi mồ, Chúa Giê-su trao ban sự sống bất diệt cho những ai được kết nối vào trong mạch sống của Ngài.  Như vậy thập giá là phương thế cứu độ. Thập giá không làm mất sự sống nơi Đức Ki-tô, đúng hơn đó là ngưỡng cửa đưa ngài vào cõi sống vinh quang, mở đường cho Ngài đem lại nguồn sống mới cho nhân loại. Chúa Giê-su không chết. Ngài đang sống.

Với mầu nhiệm Vượt qua, chết đi và sống lại, Chúa Giê-su đem vào trần gian một trật tự mới, một sáng tạo mới, một sự sống mới cho con người. Vì thế, thánh Phao-lô nói: “Ai ở trong Đức Kitô, người ấy là tạo thành mới, con người cũ đã qua đi, con người mới được có đây rồi” (2 Cr 5,17). Sự sống mới khởi đầu nơi những ai tin nhận Đức Ki-tô phục sinh.

Đối với chúng ta hôm nay, đời sống mới trong Chúa Ki-tô phục sinh được chúng ta tiếp nhận trong Hội Thánh, trong Lời Chúa và trong các bí tích. Khi tham dự thánh lễ, chúng ta không chỉ họa lại trong ký ức việc Chúa chịu chết và sống lại, mà chính là tiếp xúc với Chúa Ki-tô đang sống giữa chúng ta, trao ban sự sống mới để thanh luyện và biến đổi chúng ta nên giống Chúa. 

Chắc nhiều người trong chúng ta đã nghe quen bài hát "Hello Việt Nam". Bài hát nói lên tâm tình một người Việt xa quê mong muốn không những biết quê hương qua lời kể, mà còn ước mong có ngày trở về thăm đất mẹ, trải nghiệm cuộc sống tại quê nhà. Trở về quê hương, nói lời "xin chào Việt Nam", anh ta sẽ tìm gặp tâm hồn Việt Nam của mình. Đối với những ai tin vào Đức Ki-tô đã sống lại, thì phục sinh không chỉ là sự kiện để tưởng nhớ, không chỉ là nghi lễ để mừng kính nhưng là mầu nhiệm sự sống mới cần được tiếp nhận, sống và công bố. Biết Chúa đã sống lại thì chưa đủ, điều cần thiết là kinh nghiệm sống với Đấng Phục sinh. Sống với Đấng Phục sinh thì cũng gặp được sự sống đích thực mà Ngài đã chết và sống lại để trao ban cho ta.

Như thế, câu chuyện Giê-su đang còn tiếp diễn và là câu chuyện sống thực trong đời thường, bởi vì Ngài còn đang sống giữa các môn đệ của Ngài hôm nay.

Lm. Marcello ĐOÀN MINH

Hội An, Vọng Phục sinh- 31/3/2018