HỘI THẢO XÂY DỰNG DỰ ÁN TRỢ GIÚP NCH VÀ TRẺ OVC

HỘI THẢO XÂY DỰNG DỰ ÁN TRỢ GIÚP NCH VÀ TRẺ OVC

HỘI THẢO XÂY DỰNG DỰ ÁN TRỢ GIÚP NCH VÀ TRẺ OVC

Cho dù đã có không biết bao nhiêu nỗ lực không mệt mỏi từ nhiều phía, đến nay HIV/AIDS vẫn còn là đại dịch của nhân loại. Các vi khuẫn liệt kháng vẫn đã và đang lây lan trong xã hội. Các tổ chức chính phủ và phi chính phủ đang kiên trì xây dựng khả năng phục hồi chống lại tác động của HIV/AIDS trong người có H và trong cộng đồng.

Trong giới hạn của mình, CĐN mong muốn trong các ban Caritas giáo xứ có được một số anh chị em cam kết hoạt động phòng chống HIV/AIDS tại địa phương, giúp giảm kỳ thị tại cộng đồng.

Hoạt động phục vụ NCH và trẻ OVC[1] bao gồm nhiều nội dung có tính chuyên môn cao, với nhu cầu phục vụ mênh mông về địa bàn cũng như đối tượng phục vụ. Chính vì thế rất cần có dự án đề ra cách tiếp cận sao cho sâu sát và hữu hiệu.

Việc trước tiên là cần phải xác định rõ ràng các mục tiêu trong việc phục vụ NCH và trẻ OVC. Để làm việc này, ngày 06/04/2019, Văn phòng Caritas Đà Nẵng tổ chức khóa hội thảo về “Xây dựng các hoạt động chính cho dự án HIV-CĐN”, tại nhà thờ Hội An. Tham dự hội thảo có Cha Marcello Đoàn Minh, Giám đốc Caritas Đà Nẵng, Sr. Anna Trần Thị Hồng Phúc (Thuộc dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm (FMI), phòng khám nhân đạo Kim Long, Huế), Sr. Têrêxa Phạm Thị Xoan (Cộng đoàn FMI Nội Hà, phụ trách mạng lưới HIV của CĐN) và 12 tham dự viên là những anh chị em đã có ít nhiều kinh nghiệm trong công tác tổ chức, dự án và các hoạt động hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS.

Dẫn trình viên hội thảo là Thạc sĩ, Bác sĩ Trần Thị Huệ, người chuyên viên giàu kinh nghiệm, từng cộng tác với các Sơ và các tổ chức nước ngoài trong các dự án liên quan đến phòng tránh HIV trong cộng đồng, đặc biệt là cộng đồng tôn giáo.   

Sau phần giới thiệu ngắn gọn của ban tổ chức, Cha Giám đốc thông tin về bối cảnh, công việc trợ giúp NCH trước đây của giáo phận, những nổ lực của mạng lưới Caritas Đà Nẵng và sự hỗ trợ của CVN, Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm Huế hiện nay. Cha cũng đề ra phương hướng thảo luận xây dựng dự án khả thi và phù hợp với hoàn cảnh giới hạn của CĐN. 

Sau đó, với phương pháp truyền đạt trực tiếp, hướng dẫn, giải thích chuyên môn và thảo luận nhóm, ThS. Bs Trần Thị Huệ đã giúp cho tham dự viên: 

-Biết được những vấn đề của NCH và trẻ OVC (Thân thể, bệnh tật, niềm tin, công việc, bị kỳ thị và phân biệt đối xử tại gia đình, cộng đồng, nhà trường, xã hội…). 

- Nói ra được vai trò của các thành viên hỗ trợ (chăm sóc, truyền thông) đối với NCH và trẻ OVC, nhu cầu cần được xây dựng năng lực cho các thành viên đó. 

Kết thúc hội thảo, Cha Giám đốc dâng lời cầu nguyện cho những NCH và trẻ OVC, cầu nguyện cho những anh chị em dấn thân phục vụ. 

Hội thảo đã làm rõ một số mục tiêu, kết quả và những hoạt động chính nên làm, để hỗ trợ NCH và trẻ OVC phù hợp với khả năng, điều kiện hiện có của CĐN. Hy vọng trên cơ sở này, một dự án mới sẽ được hình thành, nhằm giúp NCH vừa thiết thực, vừa có chuyên môn đồng thời cũng thể hiện đức bác ái của người con cái Chúa. 

Cảm ơn Quý Srs dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm Huế, ThS. Bs Trần Thị Huệ, ban Caritas giáo xứ Hội An, các tham dự viên đã giúp đỡ và cộng tác để tổ chức cuộc hội thảo rất hữu ích này. Xin mọi người cùng cầu nguyện và tiếp tục cộng tác để hình thành dự án và để biến ước mơ thành hành động.  

Giuse Trần Thanh, VP.CĐN

[1] ‘NCH’ chữ viết tắt của ‘người có H’, tức người nhiễm HIV.  Còn ‘OVC’ là chữ viết tắt của Orphans and Vulnerable Children có nghĩa là trẻ em mồ côi và dễ bị tổn thương. Trẻ OVC thường được hiểu là những trẻ em bị nhiễm HIV hoặc bị ảnh hưởng bởi HIV.Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), khoảng 15 triệu trẻ em trên toàn thế giới đã mất một hoặc cả cha lần mẹ vì AIDS. Rất nhiều trẻ em dễ bị tổn thương vì bệnh tật gia đình và tác động lan rộng của HIV / AIDS trong cộng đồng. Số trẻ OVC sẽ còn tiếp tục tăng khi HIV còn tồn tại.(Nguồn: internet)