BỨC TRANH GIA ĐÌNH, Lm Marcello Đoàn Minh

BỨC TRANH GIA ĐÌNH

Một ông giám đốc công ty được cô chủ nhiệm lớp gọi điện mời ông đến gặp nói về việc học của đứa con, ông từ chối lấy lý do là việc đó ông “đã giao cho mẹ nó rồi”. Thế nhưng cô giáo nhấn mạnh là ông phải đến vì việc này liên quan trực tiếp đến ông. Chẳng là trước đó, cô ra đề cho bài tập vẽ: ‘Em hãy vẽ gia đình của em’. Khi chấm bài cô thấy: trong bức tranh con của ông, có mẹ có em bé, có cả con chó cưng, nhưng không có ông. Ông quá mải mê công ăn việc làm, không khi nào dành thì giờ cho đứa con của mình. Trong đơn xin nhập học thì có tên ông, nhưng trong tim óc đứa bé, ông không hiện diện. Nó có ba mà như không có nên không trách chi nó không vẽ ông trong bức tranh gia đình. Bức tranh nói cho ông một sự thật mà cho đến lúc đó ông không biết.

Bây giờ nếu ta ra đề như vậy trong một lớp học khác và khảo sát các bức tranh của các cháu, chắc là ta sẽ thấy trong đó rất nhiều những sự thật về đời sống gia đình. Có những bức tranh vẽ cảnh sum họp đầm ấm, nhưng nhiều bức nói lên những thiếu vắng, hụt hẫng, tan nát đau khổ, buồn thương…

Hang đá Giáng Sinh bày ra trước mắt chúng ta bức tranh của một gia đình: hài nhi nằm trong máng ăn súc vật, bên cạnh là người mẹ quì gối còn người cha đứng cầm gậy cung kính ngắm nhìn. Nơi họ ở là chuồng chiên lừa ngoài đồng vắng giá lạnh. Phụng vụ ngày lễ Thánh gia hôm nay coi đấy là một gia đình gương mẫu cho hết mọi gia đình.Gia đình đó không có nhiều tiền của nhưng có đầy lòng khiêm tốn đơn sơ và đầy tình yêu thương. Hài Nhi là Ngôi Hai Thiên Chúa chấp nhận làm một người con, sinh ra trong một gia đình nghèo khổ. Người mẹ  Maria, và người cha Giuse hoàn toàn vâng theo ý muốn của Thiên Chúa, hiến dâng trọn vẹn cuộc sống của mình cho chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Tình yêu Thiên Chúa đổ tràn xuống trên mọi người trong căn nhà này và giúp họ trong tin tưởng phó thác và bình an trước mọi gian nan thử thách. 

Ngày lễ hôm nay, Giáo Hội muốn chúng ta đặt bức tranh gia đình chúng ta với bức tranh gia đình trong hang đá kia để nhận ra những gì gia đình chúng ta chưa thể hiện. Ông giám đốc kia sau khi xem bức tranh con của ông đã nhìn lại và nhận ra mình chưa chu toàn bổn phận làm cha của mình. Ông thấy thương vợ thương con nhiều hơn vì bấy lâu nay ông đã làm cho họ hụt hẫng thiếu thốn tình yêu rất nhiều mà ông không hay biết. Ông bắt đầu thay đổi cách sống.

Trong tông chiếu “Dung Nhan của Lòng Thương Xót”, Đức  Giáo hoàng Phanxicô viết: “Trụ cột nâng đỡ đời sống Giáo Hội chính là lòng thương xót. Tất cả các hoạt động mục vụ của Giáo Hội cần phải được thấm đẫm sự dịu dàng; không một sứ điệp và chứng từ nào của Giáo Hội trước thế giới lại có thể vắng bóng lòng thương xót. Tình yêu thương xót và thông cảm chính là phương thế để củng cố tính cách đáng tin của Giáo Hội. Giáo Hội vô cùng khao khát trao ban lòng thương xót”  (số 10).“Gia đình là Hội Thánh tại gia”. Gia đình đảm nhận sứ vụ của Hội thánh tại gia đình mình. Những gì Đức Giáo hoàng yêu cầu về đời sống Giáo Hội ở đây cũng cần phải được các gia đình ôm ấp suy gẫm và thể hiện nơi chính gia đình của mình. Chớ gì nhờ hồng ân Năm Thánh, mỗi gia đình của chúng ta cũng trở thành một mái nhà của lòng thương xót, ở đó lòng thương xót không là ý tưởng trừu tượng vô hình, nhưng được tỏ lộ ra trong cách mọi người cư xử với nhau và với mọi người chung quanh.

Marcello ĐOÀN MINH

(CN 27/12/2015, lễ Thánh Gia Thất)