GIÁNG SINH: LỄ CỦA ‘HỘI’ VÀ ‘AN’ & LỜI MỜI GỌI ĐẾN HANG ĐÁ BÊ LEM
GIÁNG SINH: LỄ CỦA ‘HỘI’ VÀ ‘AN’
Bài giảng của linh mục Marcello ĐOÀN MINH
trong thánh lễ đêm Giáng sinh tại nhà thờ Hội An
24/12/2017
Luận về danh xưng Hội An, giáo sư Trần Quốc Vượng đã nói đó là miền đất của 03 ‘hội’:
- Hội thủy, vì là điểm hội tụ của 3 con sông Vu gia, sông Thu Bồn, và con sông Đế Võng nối Cửa Hàn và Cửa Đại.
- Hội nhân, vì là nơi nhiều dân tộc sống chung: người Việt, Cham pa, người Ha, người Nhật, thương nhân Á, Âu.
- Hội văn, vì ở đây là điểm giao lưu giữa các nền văn hóa Trung Hoa, Nhật Bản, phương Đông và phương Tây.
Qua dòng thời gian ba hội: hội thủy, hội văn và hội nhân tích hợp, tương tác làm nên cuộc sống chung hài hòa, trong đó không ai bị loại trừ. Trong khi, kinh nghiệm tiêu cực về đời sống chung (như cụm từ hay được dùng: “chung muốn sống an phận một mình một cõi, thì người đến đây muốn xây dựng một xã hội đa nguyên, đa văn hóa, đa chủng tộc, với những khác biệt trong an lạc, thái hòa. ‘Hội’ và ‘an’ trở nên tầm nhìn, là giấc mơ cho hiện thực của thành phố này. Hội An và giá trị sống, là lí do tồn tại của thành phố văn hóa này. Đó là là triết lý sống cho cư dân ở đây tâm niệm, là bức tranh mà người Hội Anvẽ ra cho thành phố mình. Đó là bản sắc để người Hội An hiểu về mình, cũng như đã, đang và sẽ làm cho hiện thực nơi không gian vừa rất xa xưa vừa rất mới lạ này.
Tới đây, nhiều người sẽ cho rằng: Lễ Giáng sinh mà đem chuyện Hội An ra nói, quả là lạc đề. Nhưng theo cách hội nhập văn hóa, tức là dùng những khái niệm, giá trị, truyền thống trong văn hóa địa phương để rồi thanh luyện, biến thể, quảng diễn, để rao giảng Tin Mừng, trình bày chân lý đức tin, tôi xin dùng hai từ làm nên danh xưng của thành phố chúng ta đang sống là HỘI và AN để trình bày mầu nhiệm được cử hành trên khắp thế giới trong đêm nay. Quả thật, khi chiêm niệm mầu nhiệm sâu xa đêm huyền diệu và thánh thiện này, ta thấy đêm Giáng Sinh là đêm của ‘HỘI’ và của ‘AN’ trong mức độ cao cả, thâm sâu nhất và huyền diệu nhất.
GIÁNG SINH: LỄ CỦA ‘HỘI’
Giáng sinh là ngày lễ của hội tụ. Điểm hội tụ đầu tiên và cơ bản nhất là sự kết hợp hai bản tính Thiên Chúa và con người trong một ngôi vị duy nhất nơi Chúa Giê-su. Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần, con Thiên Chúa xuống thai trong lòng trinh nữ Maria và đêm nay chúng ta mừng biến cố Ngài sinh ra nơi hang đá làng Bê-lem, nước Do Thái. Đó là Thiên Chúa mặc lấy bản tính nhân loại, một người thật và cũng là Thiên Chúa thật. Khi sinh ra làm một người, Chúa Giê-su là Emmanuel, nghĩa là: "Thiên Chúa ở cùng chúng ta". Khi kết hợp nhân tính với thiên tính nơi bản thân mình, Ngôi Hai Thiên Chúa qui tụ con người và vũ trụ nơi mình, thánh hóa và dâng về cho Thiên Chúa. Chân phước Isaac viết: "Vậy khi đã trở nên con của loài người, Người làm cho nhiều người trở nên con của Thiên Chúa. Người đã liên kết nhiều người với mình để nhờ tình yêu và quyền năng của Người mà tất cả nên một. Loài người, khi sinh ra theo tính tự nhiên, thì đông vô số kể, nhưng khi được tái sinh làm con Thiên Chúa, thì cùng với Đức Ki-tô, họ chỉ là một."
Nguyên tội chia rẽ giữa người với người, người với thiên nhiên vạn vật và xâu xé ngay trong chính nội tâm. Khi làm người để cứu chuộc loài người, con Thiên Chúa, Đức Giê-su Ki-tô hòa giải con người với Thiên Chúa, dùng cái chết trên thập giá và cuộc phục sinh khải hoàn, phá đổ bức tường ngăn cách người với người, với Chúa để họ được trở về cùng Thiên Chúa, làm con trong gia đình Thiên Chúa, đoàn tụ với với Thiên Chúa và chia sẻ chính sức sống Thánh Linh từ nơi Thiên Chúa tặng ban.
Chúa Giê-su kêu gọi người sống với nhau như anh em, con cùng một Cha, Ngài thánh hóa liên hệ giữa người, ngài cầu xin cho muôn người hiệp nhất nên một. Ngài chết cho mọi người và lề luật yêu thương là giới răn mới của người. Nơi Chúa Giê-su, những yếu tố phân tán trong con người được tập kết lại để dâng về cho Thiên Chúa. Các văn hóa, các truyền thống đạo đức, giá trị tinh thần, hội tụ, các cặn bã tội lỗi, sai lầm được thanh luyện, đổi mới trong Chúa Ki-tô. Chúa Giê-su thiết lập Nước Thiên Chúa, kêu mời mọi người cùng cộng tác, xây dựng cuộc sống con người, bình đẳng phẫm giá, hướng tới cuộc hội ngộ vĩnh viễn trong nhà Thiên Chúa trên trời.
GIÁNG SINH: LỄ CỦA ‘AN’
Hòa bình là khát vọng muôn thuở của con người và cũng là ơn phúc Con Thiên Chúa vào đời muốn trao ban cho con người. Hòa bình Ngài mang đến không chỉ là vắng bóng chiến tranh, nhưng là con người và vạn vật được đặt đúng chỗ và vận hành trong trật tự nguyên thủy của sáng tạo. Hài Nhi được tiên báo là Thái Tử Hòa Bình, hiện thực lời sấm ngôn Isai-a: “Người sẽ mở rộng quyền bính và lập nền hòa bình vô tận. Họ sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày lấy giáo làm nên lưỡi liềm. Các dân tộc không còn rút gươm đâm chém nhau và không cần thao luyện để chiến đấu nữa” (Is 2,4). Ngài là hòa bình của ta, Ngài đã đến công bố hòa bình. Hòa bình cho các người ở xa, cũng như hòa bình cho các người ở gần” (Ep 2, 14-17). Chúa Giê-su đã chết để hòa giải con người với Thiên Chúa, muôn người thành một dân tộc, hủy diệt hận thù nơi thân xác mình, đổ tràn tình yêu vào lòng con người Thiên Chúa Trong Đức Ki-tô muốn thực hiện sự an bình đó. Trong đêm giáng sinh các thiên thần ca hát vang lừng:
Vinh danh Thiên Chúa trên trời
Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương
Hội và an với người ki-tô hữu, chính con Thiên Chúa vào đời thực hiện và mời gọi con người hiện hiện. HỘi và an trong mầu nhiệm Chúa giáng sinh vượt tầm giới hạn của con người để đi tới tầm mức của Thiên Chúa. Đó là ân huệ nhưng không của Thiên Chúa. Nhờ Chúa con nhập thể, ta được hội nhập với nhau mà còn với chính Thiên Chúa và sống trong hòa bình với Thiên Chúa.Cuộc sống mới bắt đầu từ trong thời gian tại thế và sẽ hoàn tất trên thiên quốc.
Hội và an giữa người với người và giữa người với Thiên Chúa mãi mãi là khát vọng trong tim con người mà chỉ một mình thiên Chúa mời có thể đáp lại được, mơi làm cho con người mãn nguyện. Xin cùng nhau dâng lên TC hòa bình lời kinh của Đức Giáo hoàng Gio-an XXIII trong đoạn cuối thông điệp Hòa Bình trên Thế Giới của ngài: Xin Ngài xua đuổi ra khỏi tâm hồn những gì có thể nguy hại cho hòa bình, xin Ngài biến đổi hết mọi người thành những chứng nhân của chân lý, công bình và tình yêu huynh đệ. Xin Ngài soi sáng cho những người nắm trong tay vận mệnh các dân tộc, để họ lo mưu hạnh phúc chính đáng cho dân chúng, họ bảo tồn ân huệ vô giá của hòa bình, sau hết, xin Chúa Kitô đốt cháy lòng hết mọi người và thúc họ đập tan các hàng rào chia rẽ, thắt chặt dây tương thân tương ái, biết am hiểu người khác và tha thứ cho những ai đã gây thiệt hại cho mình. Và như thế, nhờ Chúa, tất cả các dân tộc trên mặt đất kết thành một cộng đồng huynh đệ thực sự, và giữa họ với nhau hòa bình sẽ tươi nở và tồn tại vĩnh viễn.
Chớ gì lời cầu xin an hòa hội tụ được triệu ánh đèn đêm nay tiếp nhận để làm sáng lên bầu trời đêm nay, dâng lên Thiên Chúa và đi vào muôn cõi lòng để mời gọi nhau hiện thực giấc mơ Hội và An muôn thuở của con người và của Thiên Chúa.
Kính chúc một mùa giáng Sinh hội tụ và an vui cho tất cả mọi người đang họp nhau ca mừng Con Thiên Chúa giáng trần trong đêm rất thánh thiện này.
LỜI MỜI GỌI ĐẾN HANG ĐÁ BÊ LEM
Bài giảng của linh mục Marcello ĐOÀN MINH
trong thánh lễ Giáng sinh-lễ rạng đông, tại nhà thờ Hội An
25/12/2017
‘Hội’ và ‘an’ trong giáng sinh
Giáng sinh là lễ của ‘hội’ và ‘an’ ở mức độ bao la nhất, thánh thiện nhất, thâm sâu nhất vì là ‘hội’ và ‘an’ giữa trời và đất, giữa con người với Thiên Chúa. Giáng sinh là ngày lễ mừng Thiên Chúa đến với con người và ban xuống cho con người đượcdiễm phúc gặp gỡ và kết giao với Thiên Chúa để đem lại cho họ một cuộc sống an hòa hạnh phúc. Thiên Chúa sai con của Ngài đến trần gian để qui tụ toàn thể nhân loại trong Ngài và ban cho họ một nền hòa bình vĩnh cửu. ‘Hội’ và ‘An’ trong tầm nhìn của Thiên Chúa không giới hạn ở trần gian này, cho con người thế giới này, với nhữngyếu tố nhân loại mà thôi nhưng còn mở sang đời sống mai hậu, trong thực tại thần linh, hội nhập vào trong Thiên Chúa. Thánh ca Cô-lô-sê ca tụng quyền trưởng tử của Đức Ki-tô mô tả kế hoạch Thiên Chúa thực hiện để đem lại 'hội' và 'an' cho con người trong Đức Ki-tô như sau: “Vì Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Người, cũng như muốn nhờ Người mà làm cho muôn vật được hòa giải với mình. Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời. (Cl 1, 19-20). Tất cả mọi người đều được mời gọi kết hợp với Đức Ki-tô, Đấng chính là ánh sáng thế gian, là cội nguồn, là sức sống và là cùng đích của tất cả chúng ta. (LG số 2).
Thiên Chúa mời ta vào hội
Trong một bài giảng lễ Giáng sinh, Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đi-tô XVI nói: "Thiên Chúa đã lên đường đến với chúng ta. Từ sức riêng chúng ta không thể nào đếnđược với Người. Nhưng Thiên Chúa đã đi xuống. Người đang đi đến gặp gỡ chúng ta. Người đã vượt qua quãng đường xa nhất. Và giờ đây Ngài yêu cầu chúng ta: Các con hãy đến và hãy nhìn xem Ta đang ở đây...Chúng ta hãy vượt qua con người của mình”.
Khi đến trần gian, Con Thiên Chúa gửi lời kêu mời từng con người đến với Ngài vì Ngài mong muốn cho hết mọi người được hưởng ơn cứu độ. Thiên chúa chờ đợi nơi họ sự đáp trả trong tự do. Tin Mừng lễ ban ngày Giáng sinh tả lại cảnh những người chăn chiên cánh đồng làng Bê-lem được thiên thần mông báo đã tới hang đá. Mục đồng là những người bị coi là ô uế vì gần với súc vật, phân bả dơ bẩn. Những con người thấp hèn đó khi đượ cbiết tin, đã rủ nhau vội vã chạyđến hang đá: "Nào ta sang Bê-lem". Họ chỉ cho ta cách thức để đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa. Không hề chần chừ họ cho điều đó là quan trọng và phải đến ngay. Phải chăng chúng ta chúng ta phải học nơi những mục đồng vì ta thường đã quá thờ ơ, chần chừ trước lời mời gọi của Thiên Chúa. Con người ngày nay gạt Thiên Chúa sang một bên và coi những việc của họ quan trọng hơn, đúng như lời thánh Gio-an đã viết: "Ngài đã đến trong nhà gia nhân của Ngài và người nhà đã không tiếp nhận Ngài."Hóa ra, trong cái ‘hội'’và ‘an'’như thế, Thiên Chúa trở thành đối tượng bị loại trừ và cách thức phũ phàng như thế được kẻ đó người đây coi như là đối sách phù hợp!
Khu phố cổ Hội An có một đặc điểm là một bảo tàng sống vì những người sống ở phố cổ còn duy trì nếp sống phố cổ hàng bao nhiêu năm. Thế nhưng theo thống kê nay đã có 196 hộ trong phố cở mà chủ nhân không phải là người phố cổ không biết và dù có biết cũng không sống cách sống của người phố cổ từ ngàn xưa lưu truyền. Cũng vậy tuy được ‘hội’ cùng Thiên Chúa ta đã không mang cái hồn của Thiên Chúa tức là chính Thần Khí của Thiên Chúa nhưng ta không sống đúng căn tính của mình.
Hãy tiếp nhận bình an của Thiên Chúa
Trong cuộc thi hội họa về chủ đề sự bình yên, có hai bức tranh được vào vòng chung kết. Bức thứ nhất diễn tả cảnh biển không chút gợn sóng, rặng cây phi lao đứng lặng lờ trên bải cát trải dài. Con thuyền đậu gần bờ in bóng in mặt nước. Bức tranh này có điểm thấp vì bình an như thế chỉ là thứ an bình tạm bợ, sóng gió, giông tố có thể dậy lên bất cứ lúc nào. . Còn bức thứ hai, tả cảnh mưa và sấm sét: một tia sét lóe sáng lòa từ một góc tranh, cơn mưa trútnước xuống chảy qua những tảng đá trên cao, gom lại thành dòng thác đổ xuống một vách đá sừng sững. Khi nhìn kỹ bức tranh, người ta phát hiện nơi vách đá, có một tổ chim giấu trong một hốc đá. Con chim cha, chim mẹ và các con của nó đang cất tiếng hót. . . mặc dù xung quanh là thác nước gáo thét dữ dội.
Hội và An ở thành phố này vẫn còn là dự án dang dở với biết bao nhiêu vấnđề cấp bách đang đặt ra. Nhưng cho dù nó là điểm đến lý tưởng đi chẳng nữa thì đó cũng chỉ là cái ‘hội’ và cái ‘an’ ở đời này. Chúa Cứu Thế Giê-su là Hoàng tử Hòa Bình. Ngài mang đến cho ta kỷ nguyên của hội tụ và bình an viên mãn mà con người không thể ban cho được.
Cùng với sứ thần ta hãy ca lên và cầu cho muôn người trong Mùa Giáng Sinh và Năm Mới sắp tới, được đón lấy quà tặng bình an từ Trời cao mà con Chúa trao ban trong ngày Ngài đến viếng thăm:
Vinh danh Thiên Chúa trên trời
Binh an dưới thế cho loài người Chúa thương.