ĐƯỜNG HƯỚNG HOẠT ĐỘNG CỦA CARITAS

ĐƯỜNG HƯỚNG HOẠT ĐỘNG CỦA CARITAS

                                                                                     Lm. Marcello Đoàn Minh-GĐ Caritas Đà Nẵng

                                       Viết theo Goals of the German Caritas Association- 

                                                                I. Objectives and Tasks; II. Theological Foundations

NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT TRƯỚC HẾT

1. Caritas có nghĩa là yêu thương, cứu giúp người đang cần giúp đỡ. Nguyên tắc hoạt động của Caritas là giáo huấn và gương mẫu của Chúa Giêsu Kitô.

2. Đến với những người đang cần cứu giúp và bày tỏ tình liên đới với họ tức là thực thi Đức Bác ái.

3.  Thực thi bác ái là bổn phận và điều buộc mọi Kitô hữu phải làm.

4.  Thực thi bác ái cũng đồng thời là phận sự cơ bản của Giáo Hội Công giáo.

5. Caritas giúp đỡ bằng nhiều cách trong tinh thần trách nhiệm của Kitô hữu, cùng với mọi người và cho mọi người.

6.  Hoạt động của Caritas luôn dựa trên những đòi hỏi của Tin Mừng và Đức Tin của Giáo Hội.

7.  Qua việc làm, Caritas loan truyền Đức Tin của Giáo Hội.

8.  Caritas dấn thân xây dựng một xã hội có tinh thần liên đới và công bằng, trong đó người nghèo và người yếu thế không bị loại trừ nhưng có cơ hội đồng đều như người khác.

CARITAS GIÚP CHO AI? VÀ GIÚP NHƯ THẾ NÀO?    

1.  Caritas bảo vệ phẩm giá từng con người.

2.  Mỗi người là một cá nhân độc đáo và có một nhân cách Thiên Chúa ban cho và không ai được phép xâm phạm. 

3.  Chính vì thế, phải tôn trọng sự sống con người từ khởi đầu cho đến khi kết thúc, từ khi thụ thai cho đến khi chết đi, và khi cần thì phải hỗ trợ và đồng hành. 

4.  Mục tiêu cao nhất và chuyên biệt nhất của Caritas là bảo vệ cách riêng những người yếu kém khỏi bị xã hội bóc lột khai thác, khỏi bị loại trừ và lạm dụng; phải hướng dẫn họ cách thức để họ tự giúp đỡ mình. 

5.  Trong thế giới này, mọi người cùng sống liên đới với nhau và tôn trọng những sự khác biệt.

6.  Nhờ tiếp xúc với những quan điểm khác biệt về chính trị xã hội, tôn giáo, văn hóa trong gia đình, ngoài xã hội mà đời sống con người được phong phú và được kiện toàn.  

7.Caritas nỗ lực cùng với những người thiện chí, xây dựng cuộc sống có tình liên đới: sống không có thành kiến, những người thiểu số được bảo vệ và ai nấy đều được quyền tham gia và góp phần vào công ích.

8. Caritas giúp đỡ những người đang cần giúp đỡ.

9. Con người ta sống ở đời ai cũng có những nhu cầu về sinh lý, tâm lý, tinh thần, vật chất; các nhu cầu này đòi hỏi người ta phải liên hệ với nhau và giúp đỡ nhau. Không ai là một hòn đảo.

10. Caritas ưu tiên cứu giúp những người cô thân cô thế, những người không có ai cứu giúp hay không được hệ thống xã hội quan tâm.

11. Caritas cứu giúp về vật chất và tinh thần. Tự thân người được cứu giúp cũng phải góp phần trong việc thay đổi hoàn cảnh sống của mình.

12. Caritas giúp đỡ người đang cần cứu giúp để họ có cơ hội đồng đều và có đời sống tự lập và trách nhiệm chứ không ỷ lại vào người khác.

13. Caritas góp phần chuyên môn hóa công tác xã hội.

14. Caritas chủ trương phải điều hành nhân sự và tổ chức công việc thế nào để có thể mang đến sự trợ giúp hữu hiệu.

16. Phải nâng cao khả năng chuyên môn và năng lực điều hành bằng học hỏi liên tục và huấn luyện có mục tiêu cụ thể.

HOẠT ĐỘNG CỦA CARITAS DỰA TRÊN NỀN TẢNG NÀO?

1. Thiên Chúa trọn tốt trọn lành là nguồn năng lực cho Caritas.

2. Kitô hữu coi đời sống mỗi người là ân huệ Thiên Chúa ban cho.

3. Thiên Chúa là Thiên Chúa tình yêu. Thiên Chúa ban cho ta khả năng yêu thương và kêu mời ta ra tay cứu giúp.

4. Cartias xác tín rằng: Thiên Chúa yêu thương người nghèo. Ngài yêu thương cả kẻ dữ người lành. Ngài ban cho hết mọi người có niềm hi vọng và có tương lai.

5. Chúa Giêsu và sứ điệp của Ngài là mục đích và sự nâng đỡ cho Caritas.

6. Đức Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa làm người.

7. Đức Giêsu Nagiareth đã công bố sứ điệp Thiên Chúa yêu thương dân Ngài và đau khổ với họ. Ngài làm gương thể hiện sứ điệp này và kêu gọi đi theo con đường của Ngài mà không đặt ra điều kiện nào.

8. Ngài đã làm phép lạ chữa lành bệnh tật, chịu đau khổ, chịu chết trên thập giá và sống lại: tất cả để làm nên công cuộc tạo dựng mới, trong đó hòa bình sẽ ngự trị, sự đau khổ và sự chết không còn nữa.

9. Dựa trên sứ điệp này và được tình yêu của Chúa Giêsu Kitô thúc bách mà Caritas hoạt động.

10. Chúa Thánh Thần là nguồn sức mạnh của Caritas.

11. Thiên Chúa đổ tràn tình yêu của Ngài vào lòng chúng ta nhờ Thánh Thần được ban cho chúng ta. 

12. Chúa Thánh Thần là Đấng ban sự sống. Ngài ban cho ta can đảm để sống.

13. Ngài làm cho ta có khả năng để sống với nhau và chăm sóc cho người khác.

14. Chúa Thánh Thần là Vị Lương y chữa lành bệnh tật phần hồn phần xác.

15. Chúa Thánh thần hiện diện và hoạt động trong thế giới, trong Hội Thánh và trong các tâm hồn dưới nhiều dạng thức khác nhau.

16. Kitô hữu nhận ra hoạt động của Chúa Thánh Thần trong bất cứ ai coi người khác là anh em chị em và ai được Ngài dẫn dắt để giúp đỡ cách vô vị lợi.

17. Caritas làm theo sự hướng dẫn Chúa Thánh Thần là Đấng đã dạy dỗ các ngôn sứ. 

18. Thiên Chúa là đấng bàu chữa cho người nghèo, người yếu thế và người bị cướp mất các quyền lợi của họ.

19. Bất công đối với họ là chối từ Thiên Chúa.

20. Biết bao nhiều người, nam cũng như nữ đã làm chứng cho điều này trong suốt dòng lịch sử, cho dù làm như thế là đi ngược lại với người đương thời.

21. Họ là những ngôn sứ không khoan nhượng, họ không sợ vạch trần các bất công xã hội và các nguyên nhân của nó và yêu cầu thay đổi.

22. Một người có tinh thần ngôn sứ là một quà tặng của Thiên Chúa. Thế giới ngày nay rất cần món quà tặng đó. Những xấu xa của thời đại  phải được phơi bày ra ánh sáng và nguyên nhân của nó phải được vạch trần hầu người ta có thể tìm ra giải pháp đúng đắn.

23. Nước của Thiên Chúa không thuộc về thế gian này nhưng thế giới này phải có sự công chính của Nước Thiên Chúa.

24. Giáo Hội phục vụ là môi trường sống và hoạt động của Caritas.

25. Giáo Hội của Chúa Giêsu Kitô là một Giáo Hội phục vụ.

26. Việc phục vụ của Caritas cũng là một phần của đời sống Giáo Hội như thể việc phụng vụ và việc rao giảng.

27. Phải lặp đi lặp đi điều này để ai nấy ý thức và đem vào cuộc sống.

28. Caritas là một tổ chức bác ái xã hội.

29. Xét như là một tổ chức hiệp nhất với Đức Giám mục, Caritas nâng đỡ, khích lệ động viên và bổ túc hoạt động của cá nhân, đoàn thể và giáo xứ trong giáo phận. Caritas cống hiến cho những ai muốn làm việc từ thiện cơ hội để tham gia, cách tự phát hay có chuyên môn, ngõ hầu công việc bác ái được chu đáo và đúng với mục tiêu của nó. 

30. Khi hoạt động Caritas không làm một mình nhưng trông cậy và huy động mọi Kitô hữu cùng làm, cùng có ý thức xã hội và sẵn sàng giúp đỡ.

31. Hoạt động của Caritas tại mỗi giáo xứ là khởi điểm và nền tảng. Hoạt động đó không thể thiếu cho đời sống của giáo xứ cũng như của tổ chức Caritas.

32. Chính vì thế Caritas đề ra các mô hình cọng tác kết nối với các giáo xứ và với các đoàn thể khác trong giáo xứ, giáo phận.

33. Một truyền thống kỳ cựu  cần phải được kế thừa.

34. Giáo Hội của Chúa Kitô là một Giáo Hội khai sinh từ sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Đó là một Giáo Hội có tự do, trong đó mọi khả năng và tài khéo đa dạng của các cá nhân được phát triển.

35. Trải qua dòng lịch sử, vô vàn vô số các tổ chức cũng như cá nhân nam nữ trong Hội Thánh đã chăm lo những người đói khổ thiếu thốn.

36. Nhờ sáng kiến và sự dấn thân của họ mà các điều kiện sống của nhiều người đã được cải thiện.

37. Các ý tưởng, quan niệm và linh đạo của các kitô hữu đó chính là một kho tàng cho hoạt động của Caritas ngày nay.

38. Hoạt động Caritas ngày nay là để kế thừa gia sản này, làm mới lại và phát triển trong cách thức phù hợp với thế giới hôm nay. 

                                      (Hướng dẫn tìm hiểu linh đạo Caritas cho toàn thể hội viên Caritas Đà Nẵng, dịp Tĩnh huấn Mùa Chay 2014, tổ chức tại giáo xứ Phú Thượng, ngày 01/04/2014)