ĐỨC THÁNH CHA KÊU GỌI ĐỪNG ĐỂ CHO VIỆC ÁP DỤNG CÁC KỸ THUẬT SINH HỌC LÀM THƯƠNG TỔN PHẨM GIÁ CON NGƯỜI.
WHĐ (28.01.2016) – Thứ Năm 27-01, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến Uỷ ban Đạo đức Sinh học Italia được thành lập cách nay hơn 25 năm. Nhân dịp này, Đức Thánh Cha bày tỏ mối lo ngại trước đà phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ sinh học và y học. Ngài cũng cảnh báo nguy cơ chỉ biết nhắm đến tính thực dụng và lợi nhuận, nhất là trong bối cảnh hiện nay đang chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa tương đối và hoài nghi đối với những khả năng của lý trí con người.
Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Tôn trọng sự toàn vẹn và sức khỏe con người từ lúc thụ thai đến khi chết tự nhiên là một nguyên tắc đạo đức căn bản chi phối cả những ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực y học. Những ứng dụng này không bao giờ được xâm phạm phẩm giá con người, cũng như chỉ nhắm đến mục tiêu kỹ nghệ và thương mại”. Đức Thánh Cha nêu lên một số trong những thách thức hiện nay là việc coi phôi thai người chỉ như một thứ vật liệu có thể loại bỏ, và trường hợp những người đau ốm và già nua sắp chết.
Ngoài ra Đức Thánh Cha còn yêu cầu Ủy ban Đạo đức “hãy suy nghĩ về đề tài người khuyết tật và việc loại trừ những người dễ bị tổn thương trong một xã hội cạnh tranh và ra sức đẩy mạnh đà phát triển”.
Ngài còn đưa ra một yêu cầu khác là phải có sự phân tích liên ngành về những nguyên nhân phá hoại môi trường. Cần phải đề ra những hướng dẫn dành cho khoa sinh học; thực hiện việc nghiên cứu so sánh các lý thuyết coi sinh học là trung tâm và lấy nhân học làm trung tâm; tìm kiếm các lộ trình nhằm nhìn nhận vai trò trung tâm của con người trong sự tôn trọng các sinh thể khác và toàn bộ môi trường.
Cuối cùng, Đức Thánh Cha bày tỏ mong ước về sự hài hòa các chuẩn mực và quy tắc áp dụng vào các hoạt động sinh học và y học. Đây là một nhiệm vụ “tuy phức tạp nhưng có thể thực hiện được”. “Chứng từ chân lý sẽ góp phần vào sự phát triển lương tâm dân sự”.
Đó chính là nội dung đã được Đức Thánh Cha minh định ngay trong phần mở đầu huấn từ: “như mọi người đều biết Giáo hội nhạy cảm với những vấn đề đạo đức, nhưng có lẽ tất cả đều không hiểu được rằng Giáo hội không đòi bất cứ không gian riêng biệt nào cho mình trong lĩnh vực này. Trái lại, Giáo hội vui mừng khi lương tâm dân sự, ở những mức độ khác nhau, có thể suy nghĩ, xem xét và hành động trên cơ sở lập luận tự do và cởi mở, cũng như trên cơ sở những giá trị hình thành nhân vị và xã hội”.
(Theo Radio Vatican)
Thành Thi