ĐIỂM CHUNG GIÊ-SU

ĐIỂM CHUNG GIÊ-SU

ĐIỂM CHUNG GIÊ-SU

Khác giống: khác mà giống

Anh A và chị B, mỗi người một tính, nhưng họ yêu nhau rồi lấy nhau vì hai người có chung cái nhìn về con người và cuộc sống, về hôn nhân, hạnh phúc, tôn giáo …Những điểm chung đó giúp họ hóa giải những dị biệt, coi những cái khác nhau không đáng quan tâm hay thậm chí họ cho là chúng cần thiết để họ bổ túc cho nhau, làm phong phú cho nhau.

Người ta cũng gợi lên những điểm chung khi hô hào sự cộng tác hay kêu gọi lòng hảo tâm. Khi đâu đó có thiên tai bão lụt, sạt lở, câu ca dao sau đây thường được trích dẫn trong các cuộc lạc quyên:

Bầu ơi thương lấy bí cùng,

Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.

Bầu và bí hai loại trái khác nhau nhưng giống nhau ở chỗ cả hai là loại dây leo giàn mà sống. “Người trong một nước phải thương nhau cùng” bởi vì tuy khác nhau về nơi ăn chốn ở, ngôn ngữ, tôn giáo, màu da sắc tộc, … nhưng tất cả có chung một tổ quốc, một giống nòi. Điểm chung đó đoàn kết, qui tụ, làm cho họ trở thành ‘đồng bào’ với nhau và cùng nhau bảo vệ đất nước, phát huyvăn hóa dân tộc… 

Điểm chung: Đức Ki-tô quảng đại và khó nghèo

Trong ba bài đọc thánh lễ Chúa nhật hôm này (CN tuần XIII thường niên năm B), bài đọcII rất thích hợp với hội viên Caritas. Số là giáo đoàn Giê-ru-sa-lem, giáo đoàn mẹ các giáo đoàn, lâm cảnh túng thiếu. Thánh Phao-lô kêu gọi giáo đoàn Cô-rin-tô giúp đỡ.  Các lí do thánh nhân đưa ra đó là: giúp người để người giúp lại, cần duy trì truyền thống bác ái đã có, cần có sự đồng đều, tránh cảnh kẻ ăn không hết người lần không ra. Có thể gọi đó là những lí do tự nhiên. Nhưng thánh nhân còn trưng ra một lí do siêu nhiên là: gương mẫu quảng đại khó nghèo của Đức Chúa Giê-su Ki-tô. Ngài viết: "Quả thật, anh em biết: Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, đã có lòng quảng đại thế nào: Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có."  ( II Cor 8, 9). Nếu cùngtôn thờ, yêu mến Đức Ki-tô là Chúa, chúng ta cùng noi gương Ngài, biết quan tâm chia sẻ để cho những người đang cần sự giúp đỡ để họ vượt qua hoàn cảnh khó khăn hiện tại hầu có cuộc sống tốt hơn.

Đức Giê-su Ki-tô là mẫu gương bác ái. Hơn thế nữa, Ngài cho ta được tham dự cùng một bàn tiệc Thánh thể, cùng đón nhận sức sống mới là Chúa Thánh Thần làm cho ta nên con cái Thiên Chúa, cùng với Chúa Giê-sugọi Thiên Chúa là Cha. Tình yêu Chúa Ki-tô thúc bách chúng ta yêu thương phục vụ tha nhân. Như thế, Chúa Giê-su trở thành điểm chung nối kết chúng ta trong sứ vụ bác ái. Nếu yêu như Giê-su, thì cùng với Ngài không những chúng ta cho tha nhân một món quà gì, nhưng còn chia sẻ chính mình cho họ, như lời khuyên dạy của Đức Giáo hoàng Bê-nê-đi-tô XVI:

“Sự chia sẻ sâu xa của cá nhân tôi trong nhu cầu và đau khổ của người khác trở nên một sự chia sẻ của chính bản thân tôi với họ: để quà tặng của tôi không gây sự sỉ nhục nơi người khác, tôi phải trao ban cho người khác không chỉ cái gì của tôi, nhưng là trao ban chính bản thân tôi: tôi phải đích thân hiện diện trong quà tặng." (Thiên Chúa Là Tình Yêu,  số 34).

Trong tinh thần đó, chúng ta cùng với Chúa Giê-su trở nên tấm bánh cho đời, như lời của một bài hát “Trong Giêsu Chúng Ta Là Tấm Bánh” rất được giới trẻ hâm mộ:

“Thế giới hôm qua có một Giêsu 
Nối kết anh em giúp người đang đói. 
Sát cánh chung vai góp sức chia san. 
Hợp lại chung tấm bánh cho đời.

Tiếp bước Giêsu có bạn và tôi. 
Thế giới hôm nay chúng mình chung góp. 
Góp áo thêm cơm góp mến thêm yêu. 
Góp phước hạnh bình an.

Trong Giêsu chúng ta là tấm bánh, gọi thế giới sống sẻ chia. 
Trong Giêsu chúng ta là yêu thương, mời thế giới vui tình người”.

 

Lm Marcello ĐOÀN MINH

Hội An ngày 1/7/2018