ĐI TÌM BÁNH VÀ CÁ
Bài học “Quản lý ca” [1]đưa nhóm hội viên Caritas đến thăm một gia đình lương dân trong một giáo xứ miền núi có 5 người, cha mẹ lớn tuổi và có ba người con. Người con đầu mắc bệnh tâm thần, không quậy phá, la lối, nhưng ưa đi lang thang ngoài đường. Kế tiếp là hai anh em sinh đôi, bại liệt bẩm sinh. 37 năm qua, hai anh em nằm chung một chiếc gường gỗ, anh đầu này, em đầu kia. Cả hai chỉ bận chiếc áo, và một tấm vải che phần chân vì hai chân co quắp không bận quần được. Tuy nằm lâu năm nhưng trong nhà không có mùi hôi. Khi có các ân nhân từ xa đến, cha xứ đưa họ đến thăm gia đình này và họ ủng hộ khi nhiều, khi ít. Mỗi lần cha tới, ông bà bảo nhau: “Mấy người bên nhà thờ tới đó kìa!”. Các con bệnh hoạn, ông bà không đi làm được. Điều kỳ diệu là cả nhà vẫn vui sống ngày qua ngày. Cách đây ít lâu, một tổ chức tới xin đưa hai người con về trung tâm nào đó để chăm sóc, ông bà không chịu, chỉ muốn hai con ở nhà với họ…
Làm việc bác ái trong các xứ đạo, hội viên Caritas thường chỉ “giúp ngặt” chứ không “giúp nghèo”. Nhiều khi đứng trước những nhu cầu vượt quá khả năng về tài lực, nhân lực của mình, họ đành bó tay. Đó cũng là phản ứng đầu tiên của môn đệ Chúa Giê-su trong phép lạ bánh hóa nhiều được kể lại trong bài Tin Mừng chúa nhật hôm nay (C XVIIT, B: Ga 6, 1-15). Môt đám đông hơn mười nghìn người theo Chúa Giê-su trong hoang địa. Chúa không muốn họ ra về đói lả dọc đường. Ngài muốn các ông lo liệu cho họ ăn. Các ông nghĩ đến chuyện mua bánh. Trong hoang địa không có hàng quán, mà nếu có thì bao nhiêu tiền cho đủ: “Hai trăm quan tiền bánh thì cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút” (Ga 6,7). Nhưng đám đông hôm đó được thiết đãi một bữa ăn no lòng thỏa dạ. Chúa không làm phép lạ cho có một cục tiền để mua bánh nhưng từ năm chiếc bánh và hai con cá của một em bé.
Cách hành xử của Chúa trong phép lạ này cho ta hướng giải quyết khi thấy ‘cầu’ vượt ‘cung’ trong việc bác ái: ta phải làm gì khi ta có quá ít trong khi nhu cầu đòi hỏi quá nhiều, quá cấp bách. Khi đó, thay vì bó tay, thoái thác, điều chúng ta có thể làm được là đi tìm những “bánh và cá”, tức là những đóng góp, chia sẻ khiêm tốn, khả thi, đáp ứng nhu cầu thiết thực của người anh em, thể hiện sự quan tâm, tình thương mến chúng ta dành cho họ. Rồi Chúa sẽ làm điều còn lại.
Trong câu chuyện trên đây, cả nhà sống được là nhờ lòng hảo tâm của hàng xóm, bà con, ân nhân xa gần và nhất là lòng yêu mến tận tụy của người mẹ. Khi các hội viên bàn hết cách này đến cách khác để làm sao giúp tiền, gạo hàng tháng cho họ, cha xứ quả quyết với nhóm: họ có đủ những thứ đó rồi, họ cần cái tủ lạnh để có thể để lại đồ ăn cho ngày hôm sau …
Càng đến gần những người bị tổn thương, những kẻ lâm khốn cùng, càng để ý xem cách người giúp nhau vượt khó, ta càng thấy rõ điều kỳ diệu Chúa làm từ những “bánh và cá” chia sẻ cho anh em cách quảng đại. Xóa được cái nghèo yêu thương thì cũng xóa được cái nghèo cơm bánh. Chính vì thế, mỗi ngày, hội viên chúng ta hãy cùng đọc với nhau lời kinh “Xin Ơn Quảng Đại”:
Lạy Chúa, xin dạy con biết sống quảng đại
Biết cho đi mà không cần tính toán
…
Hội An 28.7.2018
Linh mục Marcello ĐOÀN MINH
[1] Các nhóm Caritas giáo xứ (CPG) trong mạng lưới Caritas Đà Nẵng đang học về “Quản lý trường hợp”, quen gọi là “quản lý ca”. Thành viên trong nhóm tập trung tại một giáo xứ học lý thuyết, sau đó chia thành từng tốp đi thăm một số những trường hợp bị tổn thương nghiệm trọng, cho quà, tìm hiểu thông tin và đề xuất cách can thiệp khả thi hữu hiệu.