DẤU CHỈ GẶP CHÚA HÔM NAY
“Cứ dấu này mà anh em nhận ra Người: một trẻ thơ bọc tã nằm trong máng cỏ” (Lc 2,12)
Đó là mật khẩu, là chìa khóa giúp các mục đồng tìm gặp Đấng Cứu Thế vừa mới sinh ra.
Trẻ thơ bọc tã, hầu hết các trẻ sơ sinh đều được bọc tã, nhưng nằm trong máng cỏ thì là dấu chỉ khá đặc biệt –bởi máng cỏ là chỗ đựng thức ăn của bò lừa, nếu có nằm thì là con non của chúng chứ không thể là Đấng Cứu Độ!
Và với dấu chỉ đặc biệt ấy, các mục đồng không khó để tìm gặp Đấng vừa mới sinh ra, bởi máng cỏ thì không có gì xa lạ đối với các mục đồng, những trẻ chăn chiên.
Có lẽ trên hành trình lần theo dấu vết tìm Đấng Cứu Độ, các mục đồng không khỏi nêu lên thắc mắc: tại sao Đấng ấy lại sinh ra trong hang bò lừa mà không phải nơi khác tốt hơn? Và có lẽ một cuộc tranh luận sôi nổi giữa họ đã xảy ra! Chỉ có điều, họ không quá bận tâm với câu hỏi “tại sao” mà chỉ lo hối hả lần theo dấu vết để đến với Ngài.
Vinh dự của các mục đồng là gặp được Đấng Cứu Độ, trong khi cả thành Bêlem thì chẳng hay biết. Thực ra, không có thiên vị ở đây, bởi trước đó Ngài cũng đã vào thành, cha mẹ Ngài cũng muốn tìm một chỗ tốt hơn để Ngài được sinh ra, chỉ tiếc rằng mọi người đã từ chối.
Giá như Ngài đến trong hình thái khác, sang trọng và uy nghi, có lẽ nhiều người sẽ đón tiếp. Tại sao Ngài chọn cách thế sinh ra trong cảnh bần cùng? Đây quả là một câu hỏi lớn. Và đây cũng là nghịch lý, là mầu nhiệm của Nước trời.
Biết bao bậc khôn ngoan thông thái đã điên đầu với câu hỏi này, và cho đến nay, nó vẫn là ‘ẩn số’. Bởi Nước trời thường được mạc khải cho những người bé mọn, nhưng lại giấu kín với những bậc khôn ngoan thông thái. Có lẽ những người thông thái quá bận tâm với câu hỏi ‘tại sao’ nên dễ đâm ra nghi ngờ về cách thế hiện diện của Ngài. Lắm kẻ tỏ ra khinh bỉ, vì hoàn cảnh xuất thân của Ngài khá tầm thường. Có người cho rằng: “Từ Nagiarét (quê hương Ngài), làm sao có cái gì hay được?” (Ga 1,46); hoặc tỏ ra ngỡ ngàng: “Ông ta không phải là con bác thợ? Mẹ ông không phải là bà Maria sao?... Vậy bởi đâu ông ta được như thế?” (Mt 13,55-56).
Thật vậy, những câu hỏi đại loại như ‘bởi đâu’, ‘tại sao’ nó đã nên rào cản, và làm cho nhiều người vướng chân không thể tìm đến với Đấng Cứu Độ.
Giá như câu hỏi ‘bởi đâu’ và ‘tại sao’, họ đừng đặt ra với Thiên Chúa mà biết tự vấn với chính mình, có lẽ kết quả sẽ tốt đẹp hơn. Thay vì thắc mắc: “Tại sao Ngài sinh ra nơi hang bò lừa?” thì phải tự hỏi: “Tại sao Ngài nên nông nổi ấy?; Thay vì thắc mắc: “Bởi đâu Ngài làm được như thế?” Thì phải tự hỏi: “Bởi đâu tôi được chứng kiến điều kỳ diệu từ nơi Ngài?”.
Đối với Thiên Chúa, không có gì là không làm được, vấn đề, là tại sao Ngài làm điều đó với tôi?
Ai biết thắc mắc như vậy, người đó sẽ tận hưởng Nước Trời, và đó cũng là nguyên nhân tại sao Nước Trời được mặc khải cho những người bé mọn nhưng lại giấu kín với những bậc khôn ngoan thông thái.
Thật vậy, Nước Trời được Chúa Kitô ví như kho báu chôn dưới ruộng. Như thế, Nước Trời không hiển nhiên để dễ nhìn thấy, mà cần những dấu chỉ để nhận ra. Cũng vậy, Chúa đến với ta thật bất ngờ, và để nhận ra, Ngài cũng trao cho những dấu chỉ, hay có thể hiểu là mật thư. Nhiệm vụ mỗi người là lần theo dấu vết để đến với Ngài, chứ không phải tìm Ngài theo dáng vẻ bên ngoài.
Bởi Ngài có thể hiện diện dưới nhiều hình thái: qua một trẻ thơ bọc tã nằm trong máng cỏ; có thể rong ruổi khắp nơi và gần gũi đủ mọi hạng người, để rồi bị kết án là “tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi” (Lc 7,34); có thể trở nên khách bộ hành để cùng đi với hai môn đệ làng Emmaus; và cũng chính vì không nhận ra Ngài mà họ đã đóng đinh và treo lên cây gỗ...
Càng bất ngờ hơn, nơi dụ ngôn “Ngày chung thẩm”, Ngài đã đồng hóa mình với những kẻ bần cùng, bị hất hủi và bỏ rơi. Ngài phán: “Xưa Ta đói, các ngươi có cho ăn; Ta khát, các ngươi có cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi có tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi có cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi có thăm nom; Ta ngồi tù, các ngươi có đến thăm?” (Mt 25,35-36).
Và câu trả lời của nhiều người, như chúng ta đã biết: “Có bao giờ chúng con thấy Chúa đâu?”.
Quả đúng là họ không thấy Chúa. Nhưng vấn đề được đặt ra là Chúa nào? Chúa mà tự họ vẽ ra hay do chính cách Ngài hiện diện?
Thật, cha Anthony de Mello nói chẳng sai: “Có những người sẵn sàng bỏ mọi sự để đi tìm Thượng Đế, nhưng chỉ một điều họ không bỏ được là quan niệm của họ về Thượng Đế”.
Đúng vậy, Thiên Chúa không vẽ sẵn hình mẫu về Ngài rồi giao cho ta tìm kiếm, mà Ngài trao ban những cách thế hiện diện qua dấu chỉ, rồi tự ta phải khám phá ra. Ngài hiện diện khắp nơi và không có hình mẫu sẵn, nhưng dấu chỉ chắc chắn để nhận ra Ngài, là “Mỗi lần các ngươi làm bất cứ việc gì cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40).
Cũng giống như các mục đồng, chúng ta đừng hỏi tại sao Ngài hiện diện như thế, mà cứ theo dấu ấy để tìm đến với Ngài. Trong hướng đi đó, mật thư mà Ngài trao chúng ta năm nay là “đồng hành với những gia đình gặp khó khăn”. Nơi ấy, Ngài đang bị tổn thương vì hạnh phúc nơi các gia đình bị đổ vỡ; nơi ấy, Ngài đang bị hất hủi vì cảnh sống xa quê cha đất tổ, không người thân, không nơi nương tựa...; nơi ấy, Ngài đang cô đơn để bảo toàn những giá trị đức tin, vì bị người ta hiểu lầm, mỉa mai hay nhục mạ...
Có lẽ như nhiều người Do Thái xưa, chúng ta cũng khó chấp nhận cách thế hiện diện của Ngài nơi ấy. Bởi theo chủ quan, chúng ta dễ coi thường, vì nơi ấy chẳng có gì hay.
Nếu bảo rằng Chúa hiện ra nơi này hay nơi khác, có lẽ chúng ta dễ chấp nhận hơn là bảo: Ngài đang sống trong cảnh cơ bần, đói khổ. Nhưng, như Philipphê mời gọi Nathanaen, như Thiên thần mách bảo các mục đồng, chúng ta cũng được mời gọi “Hãy đến mà xem!”.
Ước gì những định kiến có sẵn trong đầu không thực sự trở nên rào cản, để chúng ta có thể lần theo dấu vết mà đến với Ngài, ngõ hầu chúng ta cũng khám phá được điều kỳ diệu như các mục đồng năm xưa tại hang Bêlem. Có như vậy, sau này chúng ta sẽ không ngỡ ngàng để thưa lên với Ngài rằng: “Có bao giờ chúng con thấy Chúa đâu?”.
Lm. Simon Nguyễn Can Trường
Quản xứ Tam Thành, PGĐ Caritas Đà Nẵng