BÀI 42: TỪ ĐÂY, THỂ HIỆN LÒNG THƯƠNG XÓT NHƯ CHÚA CHA

BÀI 42: TỪ ĐÂY, THỂ HIỆN LÒNG THƯƠNG XÓT NHƯ CHÚA CHA

BÀI 42: TỪ ĐÂY, THỂ HIỆN LÒNG THƯƠNG XÓT NHƯ CHÚA CHA

Từ khi khai mạc Năm Thánh Lòng Thương Xót, Cha Giuse Nguyễn Văn Thú, trưởng ban Giáo lý Đức Tin giáo phận Đà Nẵng đã biên soạn các bài học hằng tuần, để giúp chúng ta hiểu và sống mầu nhiệm Lòng Thương xót của Thiên Chúa.

Bài học hôm nay (bài 42, bài kết thúc) tóm tắt các bài đã học với những điểm nhấn quan trọng hướng dẫn thực hành. Làm như thế, người soạn chương trình mong muốn câu chuyện lòng Chúa thương xót không kết thúc sau Năm Thánh, nhưng sẽ tiếp tục vang vọng trong đời sống người Kitô hữu. 

Caritas Đà Nẵng chân thành cám ơn cha Trưởng ban, vì một số bài trong chương trình đã được trích đăng trên trang web "caritasdanang.org”. Xin trân trọng giới thiệu bài học với quí độc giả.

 

BÀI 42: TỪ ĐÂY, THỂ HIỆN LÒNG THƯƠNG XÓT NHƯ CHÚA CHA

Vào ngày Chúa Nhật XXXIII Thường niên (13.11.2016), các giáo hội địa phương sẽ bế mạc năm thánh Lòng Chúa Thương Xót. Đây là thời điểm các giáo hội địa phương tạ ơn Thiên Chúa vì ban cho chúng ta nhận biết Ngài là Cha giàu lòng thường xót, cho chúng ta nhận ra mình là những người đang cần đến lòng thương xót, đồng thời cho chúng ta nhận thức mỗi cộng đoàn, mỗi tín hữu trong môi trường của mình có bổn phận thể hiện lòng thương xót tựa như “một hải đảo thương xót giữa lòng đại dương vô cảm” là xã hội hôm nay. Vì thế, việc thể hiện lòng thương xót không dừng lại hay chấm dứt trong năm Lòng Thương Xót, nhưng sẽ trải dài trong cuộc đời của Ki-tô hữu. Nói cách khác, năm thánh Lòng Chúa Thương Xót là thời điểm khởi động lại hay làm bừng lên lòng thương xót trong mỗi Ki-tô hữu theo mẫu hình Chúa Cha giàu lòng thương xót và thời gian sau năm thánh Lòng Thương Xót là thời gian sống tích cực lòng thương xót giữa gia đình và cộng đồng xã hội theo lời Chúa dạy: “Anh em hãy có lòng thương xót như Cha anh em là Đấng giàu lòng thương xót” (Lc 6,36). ĐTC Phanxico muốn nhấn mạnh bổn phận này khi nói, Giáo hội được mời gọi làm vang vọng lời Chúa cách mạnh mẽ và rõ ràng như là sứ điệp và dấu chỉ của tha thứ và yêu thương.

Để nhận thức mạnh mẽ bổn phận thương xót này, chúng ta cần ôn lại những nét chính yếu được Giáo Hội nhắc nhở chúng ta suốt năm thánh.

1. Lòng Chúa thương xót trong Cựu Ước

Thiên Chúa bày tỏ cho biết Ngài là Đấng hay thương xót, lắng nghe tiếng khóc than và thấy nỗi khổ của dân Chúa, ra tay cứu vớt, cụ thể đưa dân Chúa thoát ách nô lệ Ai-cập (x. Xh 34,6). Lòng thương xót của Ngài như lòng thương của người mẹ hay người cha đối với con của mình là Israel (Is 49,15; Tv 103,13), được biểu lộ qua sự tha thứ (x. Mk 7,18-20). Tuy nhiên, lòng thương xót của Thiên Chúa là quyền năng của Ngài, biểu lộ cách mạnh mẽ qua việc đòi buộc con cái Ngài phải lánh xa tội lỗi và trở về với Ngài (x. Is 1,16-18).

Các tác giả thánh vịnh ca ngợi lòng Chúa thương xót qua điệp khúc “Hãy tạ ơn CHÚA vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 105; 106; 107) và nhận ra lòng thương xót là phẩm tính của Thiên Chúa. Thánh Vịnh 103 đề cập đến những khía cạnh của Thiên Chúa là Đấng thương xót gồm: tha thứ, chữa lành, đáng tin cậy, dưỡng nuôi dân, động lòng trắc ẩn và nhẫn nại trước những yếu đuối và tội lỗi của dân. Vì vậy, các thánh vịnh kêu gọi chúng ta luôn cậy trông vào lòng Chúa thương xót, hy vọng Ngài giải thoát và thứ tha cho (x. Tv 33; 130).

2. Lòng Chúa thương xót trong Tân Ước

Trong thông điệp Thiên Chúa Giàu Lòng Thương Xót (Dives in Misericordia), thánh Giáo hoàng Gioan Phaolo II đã quả quyết, “Trong Đức Ki-tô và nhờ Đức Ki-tô, Thiên Chúa đã trở nên hữu hình trong lòng thương xót của Ngài…Chúa Giê-su Ki-tô chính là lòng thương xót” (số 2). Nói cách khác, Chúa Giê-su chính là Lòng-Thương-Xót của Thiên Chúa được Cựu ước loan báo, là Lòng-Thương-Xót nhập thể, nên ai thấy Ngài là thấy Chúa Cha, Đấng giàu lòng thương xót.

Các sách Tin Mừng cho biết, Chúa Giê-su động lòng trắc ẩn trước người tội lỗi (x. Mc 1,40-41), chạnh lòng thương đám đông không có người chăn dẫn (x. Mc 6,34; Mt 9,36). Ngài là Thiên Chúa nhân lành, chậm giận và hay tha thứ (x. Lc 23,34). Ngài luôn ban ân sủng nhưng cũng đòi hỏi tội nhân phải ăn năn thống hối và trở nên công chính. Trên thánh giá, Chúa Giê-su vừa biểu lộ lòng thương xót, vừa biểu lộ sự công chính. Hiến tế thánh giá của Chúa Giê-su là nơi công lý và lòng thương xót gặp nhau.

Vì thế, ai thấy Chúa Giê-su là thấy Chúa Cha, Đấng giàu lòng thương xót (x. Ga 14,9).

3. Lòng Chúa thương xót theo các giáo phụ

Trong thời kỳ đầu, các giáo phụ dùng Kinh Lạy Cha để giúp tín hữu hiểu biết và thực hành lòng thương xót. “Xin Cha tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con.” Theo các giáo phụ, nhu cầu sống lòng thương xót là nhu cầu thiết yếu tựa như bánh và nước cho sự sống. Thánh Augustino, vị giáo phụ được mệnh danh là “thầy giảng về lòng thương xót,” vui mừng nhận biết lòng Chúa thương xót bao trùm cuộc đời thánh nhân: “Tôi rời tổ bay đi và rơi xuống. Nhưng Chúa là Đấng đầy lòng thương xót đã vực tôi lên, không để tôi bị khách qua đường giẫm đạp và Ngài lại đặt tôi vào lại tổ ấm” (Bài giảng, 51, 5-6). Đối với thánh Augustino, Chúa Giê-su chính là lòng thương xót của Thiên Chúa.

4. Lòng Chúa thương xót trong giáo huấn

Giáo hội khẳng định, lòng thương xót là cốt lõi của sứ điệp Tin Mừng và chính là danh tính của Thiên Chúa. Từ trái tim của Ba Ngôi, lòng thương xót chảy tuôn vô tận. Lòng thương xót ấy được Cựu ước mạc khải và được hiển hiện trong Tân ước nơi Chúa Giê-su Ki-tô. Chúa Giê-su Ki-tô chính là lòng thương xót nhập thể.

Giáo Hội còn soi sáng cho tín hữu nhận biết rằng, lòng thương xót cũng được tỏ ra trên khuôn mặt của Giáo Hội, Hiền Thê của Chúa Ki-tô, qua các hoạt động bác ái tập thể hay cá nhân, nhất là qua các bí tích, cách riêng nơi bí tích Hòa Giải.

Trước thực trạng không ít tín hữu mất ý thức về tội, sa sút đời sống đức tin, thờ ơ với bí tích Hòa Giải, tự làm cho mình mù lòa và trái tim chai đá trong tội lỗi, Giáo Hội đưa ra một giải pháp cần kíp cho mọi Ki-tô hữu, đó là hãy chạy đến lãnh nhận lòng Chúa thương xót qua bí tích Giải Tội. Giáo hội nhấn mạnh, việc xưng tội không thể xem là một hình thức lấy lệ trong đời sống Ki-tô hữu, mà phải xem đó là thức ăn chính để nuôi dưỡng đời sống cam kết theo Chúa Ki-tô. Trong bí tích Hòa Giải, chúng ta sẽ kinh nghiệm về lòng Chúa thương xót, sẽ ngỡ ngàng trước tình yêu của Thiên Chúa, sẽ nhận ra sự thật nơi chính mình và nơi trái tim của Thiên Chúa, nghiệm ra sự hiệp thông cần thiết thế nào. Trong bí tích Hòa Giải, tội nhân có cuộc gặp gỡ cá vị với Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót. Trong bí tích này, tội nhân thống hối lãnh nhận ơn tha thứ, quyết tâm cải hóa và cảm nghiệm được lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng luôn sẵn sàng tha thứ và không ngừng xót thương với những cách thức mới mẻ và bất ngờ. Sau hết, khi ra khỏi Tòa Giải Tội, tín hữu cảm thấy hạnh phúc trong tâm hồn với đôi mắt đẫm lệ hoán cải và niềm vui nảy sinh. Đây cũng là lúc vang vọng trên môi miệng của các tín hữu vì sự lạ lùng của lòng Chúa thương xót: “Chúng ta chưa thấy vậy bao giờ!” (Mc 2,12).

5. Mẹ Maria, Mẹ của lòng thương xót

Trong Thông điệp Thiên Chúa Giàu Lòng Thương Xót, thánh giáo hoàng Gioan Phaolo II quả quyết, lòng thương xót là “ưu phẩm đáng kính phục nhất của Đấng Tạo Hóa và của Đấng Cứu Chuộc” (số 13). Và không ai trong loài người có kinh nghiệm sâu xa về lòng thương xót của Thiên Chúa như Mẹ Maria. “Không ai thấu hiểu mầu nhiệm Thiên Chúa làm người cho bằng Đức Maria. Toàn bộ cuộc sống của Mẹ được định hình bởi sự hiện diện của Lòng Thương Xót trở nên xác phàm. Thân Mẫu của Đấng Chịu Đóng Đinh và Phục Sinh đã bước vào thánh điện của Lòng Thương Xót, vì đã thông dự mật thiết vào mầu nhiệm Tình Yêu Thiên Chúa“ (Thông Điệp Dung Mạo Lòng Thương Xót, số 24).

Lòng Thương Xót ở trong lòng Mẹ Maria. “Được tuyển chọn làm Mẹ của Con Thiên Chúa, Đức Maria ngay từ đầu đã được chuẩn bị bởi Tình Yêu của Chúa Cha, để trở nên Hòm Bia Giao Ước giữa Thiên Chúa và con người. Mẹ bảo toàn lòng thương xót của Thiên Chúa nơi trái tim Mẹ, trong mối tương quan mật thiết Thánh Tử Giêsu. Bài ca Ngợi khen của Mẹ trước ngưỡng cửa nhà bà Elisabeth hướng về Lòng Thương Xót trải dài “từ đời nọ tới đời kia“ (Lc 1,50). Chúng ta cũng đã có mặt trong những lời mang tính ngôn sứ này của Đức Trinh Nữ Maria. Điều này sẽ trở thành niềm an ủi và sức mạnh phù trợ, khi chúng ta bước qua Cửa Thánh để lãnh nhận ơn phúc từ lòng thương xót của Thiên Chúa.

Dưới chân Thập giá, cùng với thánh Gioan, người môn đệ của tình yêu, Đức Maria là nhân chứng của những lời tha thứ thốt ra từ miệng Chúa Giêsu. Việc Chúa tha thứ cho những kẻ đã đóng đinh Người, cho chúng ta thấy lòng thương xót của Thiên Chúa đi xa tới mức nào. Đức Maria làm chứng rằng, lòng thương xót của Con Thiên Chúa thì vô bến bờ, và được trao ban cho tất cả mọi người không trừ ai. Chúng ta cùng dâng lên Mẹ lời kinh Salve Regina, một lời kinh cổ xưa nhưng vẫn luôn mới: xin Mẹ không ngừng ghé mắt thương xem chúng ta, và cho chúng ta được ngắm nhìn Dung Mạo của Lòng Thương Xót, là Chúa Giêsu, Con của Mẹ“ (Thông Điệp Dung Mạo Lòng Thương Xót, số 24).

Kết luận: Giáo Hội, trong đó có mỗi chúng ta, là những người được cảm nghiệm như Mẹ Maria về lòng Chúa thương xót trong cuộc đời mình và trong Giáo hội, trong thế giới, phải cấp thiết loan báo lòng thương xót của Thiên Chúa cho mọi người, trở nên chứng nhân đáng tin cậy của lòng thương xót, bằng cách tuyên xưng và sống lòng thương xót giữa một thời đại vừa chứa chấp niềm hy vọng vừa đối mặt với bao thử thách nghiêm trọng.

Kinh Năm Thánh Lòng Thương Xót nhắc nhớ cho chúng ta bổn phận không thể chuyển nhượng trên. Kinh này không phải là bản luận tội để ta căn cứ vào đó kết án anh chị em mình. Đúng hơn, đó là lời khẩn nài cho mỗi chúng ta và cho mọi tín hữu được ở trong Chúa Giê-su và sống lòng thương xót đầy hứng khởi suốt đời chúng ta.